Viên chức được cấp đất mặt đường khi đất chưa giải toả
29/03/2017 13:36Tôi là Công chức Viên chức nhà nước được UBND huyện cấp cho 01 lô đất mặt tiền từ năm 2005. Tôi đã đóng các khoản phí và thuế theo diện đất mặt tiền. Trước mặt nhà tôi còn khoảng 10 mét đất chiều sâu khi giao đất nhà nước nói để trừ đất làm đường và lộ giới lưu không đường bộ. Vào đầu năm 2016 có 1 hộ ở bên cạnh đã đổ đất đến sát cổng nhà tôi và không cho tôi đi và nói là đất đó là đất họ đã mua lại của một hộ khác. Qua tìm hiểu tôi mới biết đất đó đúng là của một hộ dân gần đó mà khi nhà nước cấp đất cho chúng tôi chưa đền bù cho hộ đó. Vậy tôi muốn hỏi luật sư việc UBND huyện cấp đất cho tôi là đất mặt tiền mà chưa giải tỏa hết phần đất của dân trước nhà tôi có đúng không và nếu không đúng thì ai là người phải chịu trách nhiệm này. Còn nếu đúng thì cũng căn cứ vào nghị định nào của luật đất đai. Tôi đã gửi đơn lên ấp và xã nhưng họ nói họ chỉ có chức năng hòa giải còn đúng hay không thì họ không rõ và xã nói sẽ làm văn bản gửi huyện để huyện giải quyết? (Thiên My - Hà Nội)
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Điều 275 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Quyền về lối đi qua Bất động sản liền kề như sau:
"1.Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định."
Trường hợp không thỏa thuận được bạn hãy kiện ra Tòa.
Nếu gia đình bạn có lối đi ra khác đủ phục vụ nhu cầu gia đình thì bạn không có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề để lối đi cho bạn.
Xét về lợi ích lâu dài, mảnh đất gia đình bạn vẫn là đất mặt đường theo quy hoạch của nhà nước. Còn mảnh đất trước nhà sớm hay muộn cũng sẽ bị nhà nước thu hồi giải phóng mặt bằngkhi thực hiện xong việc đền bù.
Ngoài ra, với các tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, theo Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thì chính quyền xã chỉ có trách nghiệm hòa giải các bên.
Về việc đóng thuế đất, nhà bạn thuộc diện mặt đường hay không không quan trọng bởi vì bạn đóng thuế theo giá đất của nhà nước, giá đất/mét vuôngởmảnh đất của bạn đã được nhà nước quy định cho nên hiện tại bạn không ở mặt đường thì vẫn đóng thuế đất như vậy.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty chúng tôi cho thắc mắc của bạn, nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng gọi 19006281 để được trao đổi thêm với luật sư của chúng tôi.
Chúc bạn mạnh khoẻ và thành đạt!
Công ty luật Bảo Chính!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.