Tư vấn về việc đơn vị đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng?
04/04/2017 11:55
Chào luật sư!
Tôi có vấn đề mong được giải đáp. Cụ thể như sau:
Tại dự án A, diện tích giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án 100 ha. Trong đó: I./ Phần diện tích sử dụng lâu dài cho các hạng mục chính là 60 ha.
I./ Phần diện tích sử dụng lâu dài cho các hạng mục chính là 60 ha.
II./ Phần 40 ha còn lại bao gồm: các hạng mục phục vụ cho thi công hạng mục chính như: kho mìn, bãi thãi, bãi trữ, khu lán trại….. Phần diện tích tại mục I (60 ha) đã được chủ đầu tư dự án trình UBND cấp tỉnh và đã có quyết định cấp đất. Phần diện tích đất tại mục II (40ha) đơn vị chủ đầu tư nhận thấy không có nhu cầu sử dụng nên đã trình UBND trả lại diện tích trên (40ha) và UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi diện tích (40 ha) giao cho địa phương cấp huyện nơi có đất dự án quản lý và sử dụng. Tuy nhiên trong quá trình bàn giao lại cho địa phương thì phía địa phương yêu cầu chủ đầu tư dự án A cắm mốc ranh giới phần diện tích đất trả lại (40 ha) thì phía địa phương mới tiến hành nhận.
Xin hỏi:
1. Căn cứ cụ thể nào buộc phía chủ đầu tư dự án A (là đơn vị trả lại diện tích đất) phải cắm mốc ranh giới khu đất trả lại (40 ha)?
2. Khi trả lại diện tích đất (40 ha) cho địa phương thì kinh phí trước đây mà đơn vị chủ đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng (tài sản trên đất và đất) thì phía địa phương có chi trả lại kinh phí đó cho phía đơn vị chủ đầu tư dự án hoặc khấu trừ vào tiền thuê đất các hạng mục chính của dự án không?
Trân trọng cảm ơn luật sư.
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty luật Bảo Chính. Về nội dung bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:
Thứ nhất, Về vấn đề địa phương yêu cầu chủ đầu tưdự án cắm mốc ranh giới khu đất trả lại mới tiến hành nhận lại đất:
Điều 65 Luật Đất đai 2013 có quy định như sau:
"Điều 65. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người
1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm:
a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
b) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
c) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
d) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;
đ) Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;e) Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác
đe dọa tính mạng con người.
2. Việc thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều này phải dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người để thừa kế đã chết đó đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
đ) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người đối với trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này".
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 65 Nghị định 43/2014/NĐ-CP cũng quy định:
"Điều 65: Trình tự, thủ tục thu hồi đất do chấm dứt việc sử e đất tneo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người:
1. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất được quy định như sau:
a) Người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nay chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất thì gửi thông báo hoặc gửi văn bản trả lại đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường;
b) Cơ quan ban hành quyết định giải thể, phá sản gửi quyết định giải thể, phá sản đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản;
c) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cá nhân người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế có trách nhiệm gửi Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã đến Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
d) Hàng năm, cơ quan tài nguyên và môi trường tổ chức rà soát và có thông báo về những trường hợp không được gia hạn sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất có thời hạn;
đ) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa trong trường hợp xét thấy cần thiết; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất; tổ chức thu hồi đất trên thực địa và bàn giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi"
Theo đó, Người sử dụng đất thông báo hoặc gửi văn bản trả lại đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường. Sau đó, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa trong trường hợp xét thấy cần thiết; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất; tổ chức thu hồi đất trên thực địa và bàn giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo hủy Giấy chứng nhận đối với trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp của bạn, sau khi chủ đầu tư trình UBND cấp tỉnh trả lại 40 ha đất và được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất giao cho địa phương cấp huyện quản lý và sử dụng. Do đó, UBND tỉnh sẽ ra quyết định và tiến hành thu hồi đất theo quy định và không có quy định nào quy định người sử dụng đất phải tiến hành cắm mốc giới phần diện tích đất trả là căn cứ để địa phương tiến hành nhận lại đất. Do đó, yêu cầu này của địa phương là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, Về việc chủ đầu tư dự án đã tiến hành giải phóng mặt bằng có được địa phương chi trả lại kinh phí này hay không?
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 32 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án:
"Điều 32. Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
2. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án được quy định như sau:
a) Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án đầu tư;
b) Bộ, ngành có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; chấp thuận, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng do Bộ, ngành thực hiện và các dự án do Bộ, ngành làm chủ đầu tư;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
d) Trường hợp chủ đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này".
Căn cứ vào quy định này thì kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sẽ do chủ dự án chi trả, còn phía bên UBND cấp tỉnh thì sẽ ứng trước sau đó chủ dự án sẽ hoàn lại tiền vào ngân sách nhà nước sau. Do đó, đôi với trường hợp của bạn, khi trả lại diện tích đất (40 ha) cho địa phương thì kinh phí trước đây mà đơn vị chủ đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng thì phía địa phương sẽ không có nghĩa vụ chi trả lại kinh phí đó cho phía đơn vị chủ đầu tư dự án hoặc khấu trừ vào tiền thuê đất các hạng mục chính của dự án.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi 19006281 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.