Tranh chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình
27/04/2017 09:31Xin chào luật sư, tôi sinh năm 1973 theo nghị định 64 CP 1993, tôi được cấp 1 phần đất chung trong hộ khẩu gia đình,nhưng năm 1995 tôi lấy chồng và cắt khẩu vào năm 2012, như vậy thì phần đất đó tôi vẫn lấy lại được chứ ạ? trong thời gian cấp đất cho đến nay tôi để cho gia đình canh tác, nhưng bây giờ tôi gặp khó khăn nên muốn lấy lại phần đất ấy nhưng anh em lại không muốn trả vì cho rằng tôi đã cắt khẩu,vậy tôi có quyền khởi kiện và lấy lại đất chứ?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật đất đai 2013 như sau:
"29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất."
Có thể thấy, nếu đất là đất cấp cho hộ gia đình sử dụng đất thì những người có quyền định đoạt đối với mảnh đất sẽ là tất cả những thành viên có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm có quyết định cấp đất. Do thời điểm cấp bạn có tên trong hộ khẩu nên dù năm 1995 bạn có chuyển đi và cắt khẩu thì quyền đối với mảnh đất của bạn vẫn không thay đổi. Việc bạn muốn lấy lại phần đất để sử dụng mà bị anh em ngăn cản là không có căn cứ. Để bảo vệ quyền lợi của mình bạn có thể trực tiếp tố cáo hành vi của những người đã ngăn cản bạn sử dụng phần đất của mình để cơ quan có thẩm quyền giải quyết, và cơ quan có thẩm quyền ở đây trước hết là ủy ban nhân dân cấp xã. Căn cứ quy định tại Điều 202, 203 Luật đất đai 2013:
"Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
..."
"Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
...".
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.