Tranh chấp đất giữa các thành viên trong gia đình. Phân chia di sản thừa kế.
06/04/2017 17:03
Nhà tôi có mảnh đất ở trong đó có ao liền kề đứng tên bố tôi. Năm 1994, nhà tôi thuê người đổ lấp nửa cái ao do bố cho nhưng không có giấy tờ tặng cho. Hiện nay, người được thuê đổ và lấp đất vẫn còn sống, nhưng bố tôi đã chết. Nhà tôi vẫn sống trên mảnh đất ao từ trước đến nay.
Sau năm 1994, tôi không nhớ rõ cụ thể là năm nào thì toàn bộ miếng ao lại đứng tên em tôi và không còn trong sổ đỏ của bố tôi. Hiện tại tôi đang ở cùng mẹ mình trên mảnh đất bố đứng tên và miếng đất ao tôi lấp. Tôi đang xây dựng cửa hàng may trên miếng đất ao đã lấp thì Ủy ban nhân dân xã nói rằng mình xây nhà trái phép trên đất. Trước đó cũng có vài lần tranh chấp nhưng do bố tôi còn sống nên lại thôi.
Vậy liệu có thể đòi lại tiền đã lấp ao hay không?
Xin chân thành cảm ơn!
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
* Đối với việc tặng cho đất đai cho bạn, theo thông tin bạn cung cấp, năm 1994 bố bạn có tặng cho bạn mảnh đất ao nhưng không có hợp đồng tặng cho tài sản. Theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 quy định:
''Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng cho tài sản; làm hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng.''
Theo quy định trên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản do đó việc tặng cho giữa bạn và bố bạn sẽ không hợp pháp. Tuy nhiên, nếu có người làm chứng việc tặng cho giữa bạn và bố bạn thì bạn có thể mời người làm chứng để chứng minh việc tặng cho tuy nhiên rất khó để chứng minh quyền sở hữu cho bạn bởi việc tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản.
* Đối với việc em trai bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
+ Em trai bạn có căn cứ chứng minh việc đứng tên là hợp pháp như có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, di chúc,... thì em trai bạn có quyền định đoạt đối với khối tài sản này.
+ Nếu em trai bạn không có các giấy tờ để chứng minh việc đứng tên là hợp pháp như hợp đồng tặng cho, di chúc,... thì việc đứng tên là không hợp pháp, em trai bạn không có toàn quyền định đoạt đối với khối tài sản này.
Nếu việc em trai bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hợp pháp, đây là tài sản của bố bạn, bố bạn mất không có di chúc để lại. Tuy nhiên, trong trường hợp này bạn không nêu rõ bố bạn mất năm bao nhiêu? Còn thời hiệu chia di sản thừa kế hay không? Do đó, chia các trường hợp như sau:
* Trường hợp 1: Vẫn còn thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế, tức 10 năm kể từ thời điểm bố bạn mất thì chia di sản thừa kế như sau:
Thứ nhất: Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có tên bố bạn ''ông..."
- Nếu đây là tài sản chung của bố mẹ bạn: Hiện tại mẹ bạn đang còn sống, khối tài sản này sẽ được chia làm 2 phần bằng nhau, bố bạn 1 phần, mẹ bạn 1 phần. Phần của mẹ bạn không ai có quyền tranh chấp, phần của bố bạn sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005:
''1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
...
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.''
Phần của bố bạn sẽ chia cho ông bà nội bạn nếu ông bà bạn còn sống, mẹ bạn, em trai bạn và bạn.
- Nếu đây là tài sản riêng của bố bạn. Khi bố bạn mất đi, không có di chúc để lại, toàn bộ khối tài sản này sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005. Phần của bố bạn sẽ chia cho ông bà nội bạn nếu ông bà bạn còn sống, mẹ bạn, em trai bạn và bạn.
Thứ hai: Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng ghi quyền sở hữu của ''hộ ông...''
Đây được hiểu là tài sản chung của cả hộ gia đình, phải xác minh rõ tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong sổ hộ khẩu gia đình có bao nhiêu nhân khẩu thì khối tài sản này sẽ chia đều cho các nhân khẩu. Phần tài sản của bố bạn sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005. Phần của bố bạn sẽ chia cho ông bà nội bạn nếu ông bà bạn còn sống, mẹ bạn, em trai bạn và bạn.
* Trường hợp 2: Nếu trong trường hợp không còn thời hiệu khởi kiện phân chia di sản thừa kế của bố bạn, tức có nghĩa là đã hết 10 năm kể từ ngày bố bạn mất.
Căn cứ quy định tại Tiểu mục 2.4, mục 2, Phần II, Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế trong những trường hợp sau:
''a. Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
b. Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.''
Lúc này, toàn bộ di sản thừa kế của bố bạn sẽ được chia đều cho những người thừa kế của bố bạn bao gồm mẹ bạn, bạn và em trai, ông bà nội nếu ông bà còn sống.
Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, bạn lấp ao để xây dựng cửa hàng may. Theo quy định tại Điều 139 Luật đất đai 2013 về đất có mặt nước nội địa như sau:
''1. Ao, hồ, đầm được Nhà nước giao theo hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.
Ao, hồ, đầm được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp.
2. Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều xã, phường, thị trấn thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc sử dụng do Chính phủ quy định.''
Như vậy, ao, hồ, đầm chỉ được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp, không có mục đích sử dụng kinh doanh hoặc xây dựng công trình. Do đó trong trường hợp này, đối với hành vi lấp ao và xây cửa hàng may, đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích. Đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:
"Điều 8. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép
...
2. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này."
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.