Thủ tục tặng đất cho con chưa thành niên. Cha mẹ có quyền tặng đất cho con của mình không?
24/04/2017 21:16
Kính gửi luật sư. Em là Yến, hiện em muốn làm tặng nhà ở 34m2 tại thôn vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội em muốn làm tặng cho con trai 8 tuổi - sinh năm 2008. Cử người giám hộ là em gái của mẹ chồng em (ông nội đã mất, bà nội ở nước ngoài, bà ngoại đã mất, ông ngoại ở xa).
Mong Luật sư tư vấn giúp em thủ tục. Em xin chân thành cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Con trai bạn 8 tuổi nên theo quy định của Bộ luật dân sự, con bạn là người chưa thành nên và vẫn chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Căn cứ theo Điều 58 Bộ luật dân sự thì một trong các đối tượng được giám hộ là "Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu".
Người chưa thành niên trong trường hợp này còn mẹ là bạn, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên con bạn không thuộc đối tượng được giám hộ. Em gái của mẹ chồng bạn có thể trở thành người đại diện theo pháp luật đối với con con trai bạn để thực hiện thủ tục tặng cho đất bởi với người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Nghĩa là những giao dịch dân sự không nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hành ngày với con trai bạn phải được bạn đồng ý.
Điều 144 Bộ luật dân sự quy định về phạm vi đại diện:
"1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Phạm vi đại diện theo uỷ quyền được xác lập theo sự uỷ quyền.
3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
4. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.
5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Như vậy, em gái của mẹ chồng bạn có thể trở thành người đại diện theo pháp luật đối với con con trai bạn thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện.
Thứ hai, theo quy định tại Khoản 2 Điều 689 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Việc chuyển quyền sử dụng đất (trong đó có tặng cho quyền sử dụng đất) được thực hiện thông qua hợp đồng, và hợp đồng phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Nếu bạn muốn tặng cho con trai của bạn mảnh đất này thì bạn hợp đồng tặng cho của bạn phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực.
Mặt khác, nếu bạn muốn tặng cho con bạn mảnh đất này thì mảnh đất này phải đứng tên của bạn đồng thời đất này hiện không có tranh chấp cũng không bị thế chấp tại ngân hàng.
* Về trình tự, thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất:
Theo quy định tại điểm a, d Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:
"a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã".
Như vậy, để thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất từ mẹ sang con, trước tiên bạn và người đại diện của con phải đến cơ quan công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để công chứng/chứng thực hợp đồng tặng cho này. Sau khi có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được công chứng/chứng thực thì bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên bạn tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất, hồ sơ bao gồm:
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu…
* Về việc nộp thuế, lệ phí
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 về thu nhập được miễn thuế thì:
“Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”
Do vậy, khi tiến hành thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bạn sang cho con thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 34/2013/TT-BTC Quy định các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ: “Nhà, đất thừa kế, hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp này, khi khai lệ phí trước bạ, người nhận tài sản phải xuất trình cho cơ quan thuế các giấy tờ hợp pháp chứng minh mối quan hệ với người thừa kế, cho, tặng hoặc xác nhận của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người cho hoặc nhận tài sản thường trú về mối quan hệ trên.”
Do đó, bạn và con trai sẽ không phải nộp lệ phí trước bạ trong trường hợp này.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.