Thủ tục sang tên quyền sử dụng đất khi không có di chúc
10/05/2017 15:03Tôi là con trai út trong gia đình có 6 anh chị em, cha mất còn mẹ. Lúc sinh thời cha tôi cho mỗi đứa con khi lập gia đình là 20 công ruộng khi đến tôi lập gia đình do cha tôi bệnh anh trai tôi đi làm sang tên cho tôi thay vì 20 công mà anh làm có 11 công, số đất còn lại bây giờ là 17 công do cha tôi đứng tên. Nay cha tôi mất tôi muốn sang tên qua tôi thì tôi phải làm sao?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Đối với phần đất còn lại của bố bạn, nếu bạn muốn sang tên thì bạn phải được sự đồng ý của mẹ bạn và 6 anh chị em còn lại. Nếu mẹ bạn và 06 anh chị em đồng ý sang tên thì gia đình bạn cùng lập biên bản họp gia đình trong đó thể hiện rõ nội dung đồng ý sang tên cho bạn 17 công đất và không tranh chấp phần tài sản này.
Sau đó bạn thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng nhà nước. Hồ sơ gồm:
- Biên bản họp gia đình;
- CMND/ hộ chiếu, sổ hộ khẩu của bạn
- Giấy chứng tử của cha bạn
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản ( giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở …).
Sau khi thực hiện xong thủ tục khai nhận di sản thừa kế, bạn làm thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Phòng tài nguyên môi trường cấp huyện. Hồ sơ gồm: Bản chính văn bản khai nhận di sản thừa kế; Giấy chứng nhận sử dụng đất; Chứng minh thư nhân dân; Sổ hộ khẩu gia đình.
Văn phòng đăng ký nhà đất sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục cần thiết và tiến hành trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà cho người nộp hồ sơ. Thời gian giải quyết là :không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính và thời gian niêm yết công khai của UBND cấp xã.
Nếu mẹ bạn hoặc 1 trong 6 người con không đồng ý sang tên cho bạn, thì phần tài sản này sẽ chia thừa kế theo pháp luật, chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại điềm a) Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Trước tiên phải xác định phần tài sản này là tài sản chung của bố mẹ bạn hay tài sản riêng của bố bạn. Việc bố bạn đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đồng thời chứng minh đây là tài sản riêng của bố bạn, nếu tài sản này hình thành trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn thì đây là tài sản chung của bố mẹ bạn.
- Trường hợp 1: Đây là tài sản riêng của bố bạn thì 17 công đất sẽ được chia đều cho ông bà nội (nếu còn sống), mẹ bạn và 06 người con.
- Trường hợp 2: Đây là tài sản chung của bố mẹ bạn thì 17 công đất sẽ được chia đều làm 2 phần bằng nhau, phần thứ nhất 8,5 công là của mẹ bạn, các con không có quyền yêu cầu chia. Phần còn lại 8,5 công của bố bạn sẽ chia đều cho ông bà nội (nếu còn sống), mẹ bạn và 06 người con.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.