Thủ tục giải quyết di dời mộ khi nằm ở đất người khác
26/07/2017 17:06
Thủ tục giải quyết di dời mộ khi nằm ở đất người khác. Hiện tại, trong vườn trước mặt nhà em có một ngôi mộ của dòng họ khác (đất chưa có GCNQSDĐ). Đại diện bên ngôi mộ muốn ốp lăng đá cố định nhưng gia đình em không đồng ý. Qua nhiều lần làm việc với đại diện ngôi mộ và chính quyền địa phương thì các văn bản kết luận là để nguyên hiện trạng ngôi mộ. Vậy mà giờ gia đình em lại nhận được giấy mời để tham gia giải quyết vấn đề liên quan đến chia tách ngôi mộ. Giờ đại diện ngôi mộ đòi tách thửa đất cho ngôi mộ để xây lăng cố định. Giờ gia đình em chỉ yêu cầu để nguyên hiện trạng, không được xây mới, cơi nới mở rộng thêm thì có được không ạ?
Người gửi: Kim Anh – Thạch Thất, Hà Nội
Công ty luật Bảo Chính cảm ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn, với trường hợp của bạn Kim Anh chúng tôi có những tư vấn như sau:
Như tình hình bạn trình bày là trong thửa đất của nhà bạn có một ngôi mộ có người đại diện đứng ra nhận. Thửa đất này của nhà bạn được chuyển nhượng từ người Chú nhưng hiện tại vấn chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất mà mới chỉ có giấy mua bán đất có xác nhận của chính quyền địa phương. Hơn nữa trong sơ đồ thửa đất ở UBND xã và phòng tài nguyên môi trường không thể hiện có ngôi mộ trong vườn đất nhà bạn . Mâu thuẫn phát sinh khi bên đại diện ngôi mộ muốn ốp lăng đá cố định và đòi tách thửa đất cho ngôi mộ để xây lăng cố định. Còn gia đình bạn thì muốn để nguyên trạng và mong sẽ sớm cất đi chỗ khác cũng như
không chấp nhận tách thửa.
Ở trường hợp này Bộ luật dân sự 2015 chưa quy định cụ thể nên căn cứ Luật đất đai 2013 quy định như sau:
Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh” chấp.
Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Như vậy từ quy định trên cho thấy việc tranh chấp giữa gia đình bạn với người đại diện ngôi mộ về khu đất có ngôi mộ do UBND xã giải quyết . Nếu giải quyết không thành thì do tòa án nhân dân nơi có thửa đất này giải quyết.”
Hướng xử lý tình huống.
Khi mà có giấy mời của chính quyền Xã mời lên làm việc liên quan đến tranh chấp ở ngôi Mộ thì gia đình bạn vẫn cứ lên làm việc. Trong hồ sơ lên làm việc gia đình bạn phải có giấy tờ chuyển nhựng quyền sử dụng đất của người chú mà đã có xác nhận của chính quyền địa phương về việc chuyển nhượng này cũng như trích lục bản đồ về thửa đất này. Bạn nên photo chứng thực những bản gốc này thành hai hoặc ba bản để phòng mất mát và bên chính quyền có muốn giữa thì cho họ bản photo có chứng thực.
Đồng thời gia đình bạn cũng nên làm đơn yêu cầu lên Phòng tài nguyên và môi trường cấp Huyện đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên mảnh đất này.
Quan điểm làm việc trong buổi họp ở chính quyền gia đình bạn phải thống nhất quan điểm là thửa đất này gia đình bạn đã sử dụng ổn định và có giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất có xác nhận của chính quyền địa phương mà cụ thể là UBND xã. Nên căn cứ vào điều 100 Luật đất đai 2013 quy định:
Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ Khoản 1 và Điểm h khoản 2 điều 21 Nghị định 43/2014/QH13 Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai 2013 như sau:
Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định
“1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:
h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;”
Từ những căn cứ pháp lý được nêu ở trên và tình trạng thử đất của bạn đưa ra thì bạn nên chứng minh thửa đất của gia đình bạn đã sử dụng đất ổn định và có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất. Và yêu cầu người đại diện ngôi mộ thực hiện việc di dời ngôi mộ ra khỏi thửa đất này. Vì ngôi mộ không nằm trong phần đất gia đình bạn nhận chuyển nhượng từ người Chú . Cũng như trong sơ đồ thửa đất không thể hiện có ngôi mộ trong vườn đất nhà bạn.
Bạn nên gây sức ép với bên kia về việc chứng minh đây là ngôi mộ thuộc quyền quản lý của bên kia,và phải có chứng cứ chứng minh cụ thể nếu đây là ngôi mộ vô danh để đảm bảo rằng việc đại diện cho ngôi mộ là đúng người.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về : “Thủ tục giải quyết di dời mộ khi nằm ở đất người khác” cho bạn, nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.