Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp như thế nào
27/07/2017 12:09
Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp như thế nào?. Gia đình em hiện đang canh tác trên thửa đất có diện tích 17953 m2 được làm bằng giấy tay. Sau này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1996 có diện tích là 17034 m2. Gia đình thấy có sự chênh lệch nên định đi đổi lại giấy chứng nhận sử dụng đất theo như diện tích ban đầu đã mua. Nhưng chủ đất canh tác liền kề đang tranh chấp và kiếm chuyện với gia đình em nên trụ ranh của một đầu đất đã bị mất chưa cắm lại được. Luật sư tư vấn dùm em:
1. Làm thế nào để gia đình làm lại được sổ đỏ theo diện tích 17953 m2?
2. Khi tranh chấp đã xảy ra thì khả năng để cấp lại diện tích sổ đỏ theo giấy tay cho gia đình em có được không ? Nếu được thì nhờ luật sư chỉ dẫn dùm em cách thức làm lại sổ đỏ?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
- Thứ nhất, làm thế nào để gia đình làm lại được sổ đỏ theo diện tích 17953m2?
Khoản 5 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 quy định:
"Điều 98. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này."
Theo thông tin bạn cung cấp thì diện tích đất bạn mua lúc trước là 17953m2 được làm bằng giấy tay. Sau nay được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1996 có diện tích là 17034m2. Nhưng chủ đất canh tác liền kề đang tranh chấp và kiếm chuyện với gia đình bạn nên trụ ranh của một đầu đất đã bị mất chưa cắm lại được. Do đó, bạn cần thông báo với cán bộ địa chính và chủ đất liền kề để thực hiện việc đo lại ranh giới đất giữa hai nhà cũng như diện tích đất thực tế của gia đình bạn.
Trong trường hợp diện tích đất đo đạc trên thực tế của mảnh đất nhiều hơn so vói diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng thời đất bạn và chủ đất liền kề thỏa thuận được với nhau và không có tranh chấp thì bạn sẽ được quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp mà không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích chênh lệch theo quy định tại Điều luật đã nêu.
- Thứ hai, khi tranh chấp đã xảy ra thì khả năng để cấp lại diện tích sổ đỏ theo giấy tay cho gia đình em có được không ? Nếu được thì nhờ luật sư chỉ dẫn dùm em cách thức làm lại sổ đỏ?
Theo quy định của Luật đất đai 2013 điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể:
"1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính."
Như vậy, một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là không có tranh chấp. Do đó, đối với trường hợp của bạn thì khi tranh chấp đã xảy ra thì khả năng để cấp lại diện tích sổ đỏ theo giấy tay cho gia đình bạn là không được.
- Trong trường hợp tranh chấp đất đai giữa bạn và chủ đất liền kề về đất đai thì bạn phải làm đơn yêu cầu lên Ủy Ban nhân dân xã yêu cầu giải quyết về việc cắm lại trụ ranh của một đầu đất đã bị mất theo quy định của tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 như sau:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
- Trong trường hợp hòa giải thành công, tức là thửa đất của bạn không có tranh chấp về đất đai thì bạn có quyền đính chính lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà bạn thể hiện đúng diện tích so với thực tế thì bạn cần nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1996 có diện tích là 17034m2 cùng đơn đính chính đến Văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục đính chính và yêu cầu cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trình cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho gia đình bạn. Thủ tục làm đơn đính chính này được quy định cụ thể tại Điều 86 của Nghị định 43/2014 hướng dẫn một số quy định của Luật đất đai như sau:
"Điều 86. Thủ tục đính chính Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp
1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất."
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về : “Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp như thế nào”. Cho bạn nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.