Thành phần tham gia phiên hòa giải tranh chấp đất đai.
10/05/2017 14:58
Tôi xin Luật sư giúp đỡ: Bố tôi và ông A hiện tại đang tranh chấp đất, trong ghi âm ông A công nhận đất của bố tôi tự mua. Ông A hứa không tự tiện làm sổ đỏ, ông A còn nói hứa vợ ông A (bà B) không được phép tham gia giải quyết tranh chấp bởi vì đất có nguồn gốc trước hôn nhân giữa ông A và bà B. Đến nay nhà tôi biết ông A làm sổ đỏ tôi là người giám hộ duy nhất của bố mẹ tôi làm đơn khiếu nại.
Thanh tra huyện về xã làm việc tôi yêu cầu đối thoại công khai về việc cấp sổ đỏ không đúng đối tượng, không đúng quy trình (cấp sổ đỏ mà đất nhà tôi có 3 mặt giáp đất nhà tôi mà nhà tôi không biết, không ký mốc giới) nhưng Thanh tra huyện không cho để gọi làm việc riêng rẽ với từng người. Theo giấy có mời các ông bà: Mời ông Huy (bố tôi), tôi, ông A và bà B tất cả đều có mặt.
Đến khi ngồi vào bàn làm việc bất ngờ ông Lê Ngọc Đại phó Thanh tra huyện Tĩnh Gia tuyên bố không làm việc với ông Huy (bố tôi) và cũng không làm việc với ông A với lý do trước đây các ông đã có giấy ủy quyền, mặc dù tại buổi làm việc bố tôi hơn 90 tuổi trực tiếp xin ông Đại tham gia nhưng ông Đại vẫn không cho. Vậy với việc ông Đại bỏ 2 thành phần tranh chấp quan trọng ra ngoài để tất cả những người không biết và đang mơ hồ về tranh chấp làm việc với ông Đại là vấn đề tôi rất bức xúc.
Ông Đại vi phạm những lỗi gì?
Mong Luật sư giải đáp. Trân trọng cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là người giám hộ duy nhất của bố mẹ bạn. Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Dân sự về giám hộ thì người được giám hộ bao gồm những đối tượng sau:
- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
- Người mất năng lực hành vi dân sự.
Khoản 2 điều Điều 62 Bộ Luật dân sự về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự: Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì bạn là người giám hộ đương nhiên của bố mẹ bạn khi cả bố và mẹ bạn đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
Nếu bạn là người giám hộ đương nhiên của bố mẹ bạn thì căn cứ theo quy định tại Điều 141 Bộ luật dân sự, bạn cũng sẽ là người đại diện theo pháp luật của bố mẹ bạn.
Điều 12 Luật Khiếu nại 2011 quy định về Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại:
"1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;
Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;
b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
c) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
..."
Theo quy định nêu trên, nếu bố bạn mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của bố bạn là bạn được thay bố bạn thực hiện quyền khiếu nại. Nếu bố bạn ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho bạn để thực hiện việc khiếu nại. Ngoài ra, theo điểm c quy định trên thì người khiếu nại sẽ tham gia đối thoại hoặc người khiếu nại có thể ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại.
Như vậy, áp dụng các căn cứ nêu trên vào trường hợp của bạn, việc phó Thanh tra huyện không làm việc với bố bạn mà chỉ làm việc với bạn là đang căn cứ về việc bạn được ủy quyền trước đó từ bố bạn đề thực hiện việc khiếu nại và được ủy quyền tham gia đối thoại. Nếu như đã có sự ủy quyền thì việc phó Thanh tra huyện làm là đúng quy định pháp luật.
Vấn đề cốt lõi ở đây là chúng tôi không có đủ thông tin để biết được rằng bố bạn có mất năng lực hành vi dân sự hay ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại hay không. Nếu như bố bạn bình thường, thì có thể tự mình thực hiện việc khiếu nại mà không cần ủy quyền thì bố bạn sẽ tham gia được vào quá trình đối thoại về tranh chấp giữa hai gia đình.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.