Tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản bảo đảm
27/07/2017 09:19Tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản bảo đảm? Khi Chủ đầu tư Bất động sản (BĐS) thế chấp toàn bộ dự án để vay vốn ngân hàng. Sau đó, Công ty tiến hành bán căn hộ cho người mua và người mua nhà lại dùng chính căn hộ để thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Em xin được hỏi với vấn đề nêu trên pháp luật về BĐS quy định như thế nào? Khi có tranh chấp xảy ra, sẽ giải quyết quyền lợi của của các ngân hàng như thế nào về tài sản đảm bảo khoản vay? Em xin được hỏi, trong trường hợp Sàn BĐS không trả giảm khoản vay và tiến hành giải chấp căn hộ đã bán, và người mua vẫn dùng chính căn hộ (tài sản hình thành trong tương lai) để thế chấp vay vốn ngân hàng. Quy định của pháp luật về trường hợp này như thế nào? Và trong trường có sự tranh chấp về tài sản bảo đảm giữa các ngân hàng, sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Em xin được chân thành cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Dựa trên những thông tin bạn cung cấp, xin trả lời như sau:
- Thế chấp tài sản hình thành trong tương lai
+ Như thông tin bạn cung cấp, tài sản hình thành trong tương lai ở đây là dự án xây dựng và các căn hộ. Theo quy định tại khoản 1- Điều 55 - Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 thì tài sản hình thành trong tương lai được phép đưa vào kinh doanh khi đã có biên bản nghiệm thu phần móng. Như vậy, các căn hộ mà được thế chấp đã đáp ứng đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và có nghĩa rằng được phép sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch.
+ Khoản 1 - Điều 317 - Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
" 1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)".
“ Điều 295. Tài sản bảo đảm
1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.”
Như vậy, các dự án xây dựng, căn hộ với tư cách là tài sản hình thành trong tương lai được sử dụng làm tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật.
+ Vấn đề thế chấp nhiều lần:
Khoản 2-Điều 3-Thông tư 26/2015/TT-NHNN ngày 9 tháng 12 năm 2015 hướng dẫn trình trự, thủ tục thế chấp và giải chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai có quy định: "Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó".
Đoạn 2-Khoản 3-Điều 3-Thông tư 26/2015/TT-NHNN cũng quy định: " tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để mua chính nhà ở đó".
Khoản 1- Điều 296 - Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự...".
Như vậy, việc chủ đầu tư dùng dự án xây dựng thế chấp tại ngân hàng để có vốn đầu tư vây dựng và bán căn hộ trong dự án đó cho người mua. Sau đó người mua sử dụng căn hộ đó là tài sản thế chấp tại ngân hàng để vay vốn mua căn hộ đó là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
- Quyền lợi của Ngân hàng nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Đây là một vấn đề thực tế xảy ra nhiều và các ngân hàng cũng rất quan tâm. Làm sao để bảo vệ được quyền lợi khi có quá nhiều nghĩa vụ phải thực hiện mà chỉ có một tài sản bảo đảm? Thắc mắc này của bạn xin trả lời như sau:
+ Xử lý tài sản thế chấp khi tới hạn thực hiện nghĩa vụ:
Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
“1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.”
Như vậy, nếu khi tới hạn thanh toán nghĩa vụ trả nợ mà chủ đầu tư hay người mua căn hộ không thanh toán thì Ngân hàng được phép xử lý tài sản bảo đảm đó theo các phương thức pháp luật quy định.
+ Thứ tự ưu tiên thanh toán:
Tình huống của bạn đưa ra là một tài sản được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, khi có tranh chấp xảy ra thì sẽ được xử lý như sau:
Khoản 3 - Điều 296 - Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác.
Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.".
Theo đó, khi các giao dịch dân sự đều có chung một tài sản bảo đảm mà một nghĩa vụ tới hạn thì các nghĩa vụ khác dù chưa tới hạn vẫn được coi là đến hạn và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm đó. Như vậy, các ngân hàng sẽ tham gia vào quá trình xử lý các căn hộ đó và câu chuyện Ngân hàng nào sẽ được thanh toán trước, ngân hàng nào được thanh toán sau và được thanh toán bao nhiêu? Điều 308 -Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề này.
"Điều 308. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm
1. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:
a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;
b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;
c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
2. Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.”
Điều 6-Nghị định 163/2006/NĐ-CP có hướng dẫn cụ thể như sau:
"Điều 6. Thứ tự ưu tiên thanh toán
1. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Dân sự.
2. Các bên cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản có quyền thoả thuận về việc thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
3. Trong trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán cho các bên nhận bảo đảm có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán thì số tiền đó được thanh toán cho các bên theo tỷ lệ tương ứng với giá trị nghĩa vụ được bảo đảm".
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về : “Tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản bảo đảm?”. Cho bạn nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.