Sự khác nhau giữa sổ hồng và sổ đỏ
26/04/2017 08:51
Em có nghe mọi người nói rất nhiều về sổ đỏ và sổ hồng. Nhưng không hiểu 2 giấy này có gì khác nhau? Rất mong đươc luật sư giải thích giúp em. Em cảm ơn!
Người gửi: Đoàn Minh Đức (Thái Bình)
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Trên thực tế, "sổ hồng” hay "sổ đỏ” đều không phải là loại giấy tờ do pháp luật quy định mà đây chỉ là tên gọi do người dân tự đặt ra dựa trên màu sắc của giấy tờ để dễ dàng phân biệt các loại giấy tờ này với nhau. Giữa sổ hồng và sổ đỏ có sự khác nhau như sau:
Sổ đỏ là mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, bìa có màu đỏ, với nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất trong đó có đất ở, đất nông nghiệp, đất rừng, đất phi nông nghiệp,… nên mẫu này có tên gọi "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 quy định: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.
Sổ hồng là mẫu do Bộ Xây dựng ban hành, bìa có màu hồng, với nội dung ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên mẫu có tên gọi là "Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Nhà ở năm 2005, Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp cho chủ sở hữu theo quy định sau đây:
"a) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
b) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại khoản này được gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở”.
Tuy nhiên, ngày 19/10/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, kể từ ngày 10/12/2009, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đều được ghi nhận mới tại một loại giấy tờ có tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất, được áp dụng trên phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Điều 97 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
"1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này”.
Tức là, thực tế hiện nay vẫn tồn tại cả 03 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và 03 loại giấy tờ này có giá trị pháp lý như nhau.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.