Quyền sở hữu đất đai của vợ chồng sau ly hôn
26/07/2017 16:16
Quyền sở hữu đất đai của vợ, chồng sau ly hôn ? Tôi muốn hỏi: Hai vợ chồng tôi đang làm thủ tục ly hôn:
1) Nếu tôi cắt khẩu thì tôi có được nhập khẩu vào nhà mới tại thành phố hay không? (tôi đã tạm trú ở nhà mới được 2 năm rồi)
2) Nhà hiện nay chồng tôi đang ở có tên tôi vậy khi ly hôn em có được chia 1/2 tài sản không?.
3) Khi tôi chưa nhập khẩu, tôi có mua 1 miếng đất nhưng do chưa có khẩu tại Sài Gòn nên chồng tôi đứng tên, vậy tôi có thể lấy lại được miếng đất này không?
Người gửi: Nguyễn Trương Mỹ - Thường Tín
Cảm ơn bạn Trương Mỹ đã gửi câu hỏi về công ty Luật Bảo Chính, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
1. Nếu em cắt khẩu nhưng nhà mới hiện nay của em mua giấy tay nhưng em đã báo tạm trú hơn 2 năm nay, vậy em có được nhập khẩu vào nhà mới tại thành phố hay không?
Điều 19 Luật Cư trú năm 2006
"Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.”
Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
“Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản."
Như vậy, nếu bạn đáp ứng những điều kiện trên thì bạn sẽ được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố.
2. Nhà hiện nay chồng em đang ở có tên của em vậy khi ly hôn em có được chia 1/2 tài sản không vì trước đây em chỉ góp 1 phần vào mua đất, xây nhà.
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung".
Theo dữ liệu bạn đưa ra thì nhà này có tên của bạn nên có thể xác nhận đây là tài sản chung của hai vợ chồng bạn.
Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, nếu vợ chồng bạn không có thỏa thuận về việc chia nhà thì nguyên tắc là chia đôi, tuy nhiên, có tính đến các yếu tố:
+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Như vậy, nếu vợ chồng bạn không có thỏa thuận khác thì nhà đó được chia đôi, nhưng còn tính các yếu tố như trên để xác định tỷ lệ chia tài sản.
3. Khi em chưa nhập khẩu, em có mua 1 miếng đất nhưng do chưa có khẩu tại Sài Gòn nên chồng em đứng tên, vậy làm sao em có thể lấy lại được miếng đất này?
Bạn mua miếng đất khi chưa nhập khẩu và do chồng đứng tên, nên có hai trường hợp: nếu bạn mua đất và để chồng đứng tên trong thời kỳ hôn nhân (nếu bạn chưa nhập khẩu) thì tài sản đó được xác định là tài sản chung. Còn nếu, việc đó xảy ra trước khi hai bạn kết hôn (việc nhập khẩu diễn ra sau hoặc đồng thời kết hôn) thì quyền sử dụng mảnh đất đó thuộc chồng bạn.
Để lấy lại miếng đất đó, bạn có thể thỏa thuận với chồng hoặc yêu cầu chồng tặng cho quyền sử dụng đất đó cho bạn hoặc chồng bạn khi chia tài sản chuyển quyền sử dụng đất đó cho bạn hoặc nếu không, bạn phải chứng minh được mình đã mua miếng đất đó trước thời kỳ hôn nhân và để chồng đứng tên hộ.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về : “Quyền sở hữu đất đai của vợ chồng sau ly hôn ?”. Cho bạn nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.