Quyền của các đồng sở hữu đối với tài sản chung. Thủ tục chia di sản thừa kế khi cha mẹ mất, không để lại di chúc.
25/04/2017 16:57
Hiện nhà mẹ tôi đang ở là đất đai, nhà ở của ông bà và ông bà cũng đã mất từ rất lâu khoảng trên 30 năm cũng không để lại di chúc gì. Ông bà có tổng cộng 10 người con 5 người trai và 5 nữ trong đó có 1 người trai đã mất hơn 10 năm rồi. Ngày xưa thì nhà ông bà tôi không có giấy tờ sổ đỏ,sổ hồng gì cả, mãi đến năm 2012 thì mọi người mới làm sổ đỏ cho nhà cửa được hợp pháp và có giá trị hơn. Trước khi làm sổ tất cả người con của ông bà trừ người đã mất có lên phường để ký giấy nhượng quyền đứng tên cho Ông Đỗ Văn Xuân là người thứ 3 trong nhà, mẹ tôi là chị cả mặc dù đứng chủ hộ khẩu nhưng ngày trước cho mẹ tôi là nữ lại góa chồng nên mấy anh em không đồng ý cho mẹ tôi đứng tên trên sổ đỏ của nhà mặc dù mẹ tôi là người hương khói cho ông bà mấy chục năm nay, làng xóm láng giềng ai cũng rõ. Và nội dung ghi trên giấy đồng ý đứng tên là "Cho phép đứng tên trên sổ, nhà để thờ cúng không cho phép chuyển nhượng, mua bán". Nhưng hiện nay nhà tôi đã sập xệ do xây lâu ngày không tu bổ thì ông Đỗ Văn Xuân này dự định sẽ đứng ra xây sửa lại nhà với cốt yếu sau này để lại cho con trai mình, và nói ra vào nếu các người con gái ở trong nhà nếu không biết an phận thì đuổi ra khỏi nhà. Và trên bản đồ vẽ sơ đồ để xây nhà cũng không có phòng dành cho mẹ tôi, chỉ là dự cho mẹ tôi cái chỗ ngủ để sau này mẹ tôi có chết thì tháo gỡ ra dễ dàng không phải đập phá nữa. Mẹ tôi có 3 người con 2 trai và 1 gái là tôi, tôi hiện đã đi lấy chồng xa vài năm mới về lần, còn anh anh hai tôi cũng ở riêng và cũng gần ở đấy, chỉ còn duy nhất anh cả của tôi là còn tên trong sổ hộ khẩu mà thôi. Tôi rất bức xúc và bất bình vì cách đối xử của vợ chồng ông cậu tôi Đỗ Văn Xuân về sự việc nhà ấy là nhà tổ, nhà của ông bà, không ai có quyền được phép đuổi một trong người trong nhà cả, kể cả con cháu sau này có vất vả cũng có thể về nhà ấy mà ở, không được phép đuổi ai. Tôi kính nhờ luật sư tư vấn giúp tôi :
1. Mẹ tôi có quyền hạn như thế nào trong nhà ấy? Mẹ tôi phải làm gì để có thể bảo vệ quyền lợi của mẹ tôi và các con của bà sau này.
2. Chẳng may mẹ tôi khuất núi thì chúng tôi là các con của bà có quyền lợi gì trong cái nhà ấy hay không?
Trân trọng cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
1. Quyền hạn của mẹ bạn đối với ngôi nhàTheo Bộ luật dân sự 2005
“Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình
Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.”
“Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình
1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.
2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”
Trong trường hợp của bạn như đã trình bày ở trên nếu tất cả các người con đã cùng nhau thỏa thuận và đồng ý làm sổ đỏ và trên sổ đỏ có tên mẹ bạn là đồng sở hữu mảnh đất thì mảnh đất đó là tài sản chung của gia đình (của tất cả 9 người con trong đó có mẹ bạn). Như vậy, mẹ bạn hoàn toàn là đồng sở hữu của ngôi nhà, có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản như các đồng sở hữu khác.
Để bảo vệ quyền lợi của mẹ bạn thì mẹ bạn có thể: Yêu cầu các đồng sở hữu trong ngôi nhà phải đảm bảo các quyền của mẹ bạn là một đồng sỏ hữu đối với mảnh đất chung. Nhưng nếu không được, mẹ bạn có thể gửi yêu cầu đến Tòa án cấp huyện nơi có mảnh đất đó để yêu cầu Tòa án giải quyết quyền lợi cho bạn
2. Quyền lợi của các con sau khi mẹ bạn mất?
+ Nếu sau khi mẹ bạn mất mà có để lại di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di nguyện trong di chúc của mẹ ban
+ Nếu sau khi mẹ bạn mất mà không có di chúc thì theo Điều 676 Bộ luật dân sự quy định:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vây, 3 con của mẹ bạn là người thừa kế hàng thứ nhất đối với tài sản của mẹ bạn. Nếu mẹ bạn có quyền hạn đối với ngôi nhà thì sau khi mẹ bạn mất, quyền đó sẽ được thừa kế lại cho các con của mẹ bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.