Quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai.
06/05/2017 10:01
1. Bố mẹ tôi có đất canh tác ở xã Phụng Công hiện nay được nhận hưởng chế độ chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất nông nghiệp, đất canh tác 5% nhưng bố mẹ tôi đều đã mất và không ghi phần này trong di chúc. Tôi chỉ có duy nhất 1 anh trai là Đỗ Văn Soan đang sống ở xã nhưng anh em tôi bất hòa không nói chuyện với nhau. Tôi có làm đơn gởi UBND huyện Văn Giang và UBND xã Phụng Công xin được thông tin về quyền lợi chế độ chính sách trên thì anh A làm việc tại văn phòng UBND huyện gọi điện thoại cho tôi nói rằng việc này do UBND xã quản lý và hướng dẫn tôi xuống xã giải quyết nhưng xã lại trả lời rằng xã không có trách nhiệm trả lời mà công dân tự tìm hiểu trong gia đình. Vậy sự việc này phải hiểu như thế nào là đúng quy định của chính phủ, nơi nào có trách nhiệm trả lời thông tin trên và xin vui lòng hướng dẫn tôi phải tiến hành làm các bước cụ thể như thế nào?
2. Tôi có mảnh đất ở xã Phụng Công có Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất ở do UBND huyện Văn Giang cấp, trên đất có căn nhà do mẹ tôi xây dựng trước khi mất năm 2003. Tôi lập nghiệp ở xa nên từ sau khi mẹ tôi mất cho đến nay anh ruột tôi là Đỗ Văn Soan ngụ tại xã Phụng Công tự ý chiếm hữu, sử dụng, khai thác nhà đất mà không được sự đồng ý của tôi, tôi đã gặp nhiều lần để đòi trả lại nhưng chưa được đáp ứng. Vậy xin hướng dẫn cho tôi phải làm gì, gặp cơ quan nào, biện pháp nào để đòi lại quyền lợi nhà đất của mình.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
1. Điều 77 Luật đất đai 2013 có quy định về bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân như sau:
"1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 129, Điều 130 của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế;
b) Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại;
c) Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này."
Đối với khoản bồi thường nhận được từ việc giải phóng mặt bằng, vì bố mẹ bạn không có di chúc để lại nên khoản bồi thường đó sẽ được chia thừa kế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự.Tức là khoản bồi thường sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật (điểm a, khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự ).
Do bố mẹ bạn mất mà chưa được hưởng bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thì bạn xem lại dự án này do Ủy ban nhân dân cấp huyện hay Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất. Bạn có thể yêu cầu UBND huyện hoặc UBND tỉnh trả lời cho bạn về vấn đề này.
2. Bố mẹ bạn mất, không có di chúc để lại sẽ tiến hành phân chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật. Tài sản này sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự.
"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Như vậy, tài sản này sẽ được chia đều cho hai anh em của bạn; ông bà nội, ông bà ngoại (nếu còn sống).
Căn cứ Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai như sau:
"1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất."
Như vậy, trước hết, bạn và anh trai bạn nên tự hòa giải và thỏa thuận với nhau. Nếu sau khi áp dụng các biện pháp hòa giải mà vẫn không thành, bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nơi có đất đang tranh chấp theo Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
"Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1.Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;"
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.