Người định cư ở nước ngoài có được nhận thừa kế là căn nhà ở Việt Nam không ?
12/05/2017 11:22
Thưa Luật sư, năm mới kính chúc luật sư cùng toàn thể nhân viên công ty luật Minh Khuê An Khang, Thịnh Vượng. Sau nhiều ngày lòng vòng xem xét trên mạng để tìm kiếm một công ty luật tin cậy thì mình đã chọn nơi đây làm nơi dừng chân( khách hàng cho 5 sao trong website) để nhận những lời khuyên cho tôi về các thủ tục cần thiết khi nhận di chúc thừa hưởng của người bà (ở VN) cho cháu (không cùng họ) đang định cư ở U.S. Trước khi mất, bà tôi có lập di chúc một căn nhà cho tôi tháng 5/2009 tại UBND Phường và được chứng thực với hộ chiếu của tôi. Bây giờ tôi muốn về tiếp nhận căn nhà. Xin luật sư cho lời khuyên, để tôi được hợp pháp nhận căn nhà này theo pháp luật Giấy tờ hiện giờ tôi đang có : - Giấy di chúc của bà tôi để lại 05/2009 - Visa miễn thị thực của Việt Nam cấp từ 30/03/2009 đến 09/04/2012 - Hộ chiếu U.S cũ đã được sử dụng khi làm di chúc năm 2009 (nay đã hết hạn 2012) - Hộ chiếu U.S mới, hết hạn 2024 - Hộ chiếu Việt Nam có giá trị đến ngày26/8/2023. Câu hỏi của tôi là:
1. Thời gian giới hạn bao lâu thì tờ di chúc của bà để căn nhà cho tôi không còn giá trị với pháp luật Vệt Nam?
2. Những giấy tờ cần thiết nào, tôi cần có để làm thủ tục nhận căn nhà này? Có đóng thuế khi nhận căn nhà theo di chúc ở Việt Nam không? Bao nhiêu % ?
Chân thành gửi lời cám ơn trước đến luật sư và toàn thể nhân viên giúp đỡ và cho tôi những lời khuyên tốt nhất, khi tôi về nước sẽ được chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp để nhận tài sản của bà theo ước nguyện. Mong sớm nhận được lời khuyên từ văn phòng luật sư. Cám ơn nhiều.
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Điều 667 Bộ luật Dân sự quy định: "Hiệu lực pháp luật của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.
3. Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật."
Như vậy, nếu di chúc của bà bạn không thuộc các trường hợp không có hiệu lực theo quy định trên thì di chúc của bà để căn nhà cho bạn vẫn có hiệu lực pháp luật và không bị giới hạn về thời gian.
2. Những giấy tờ cần thiết nào tôi cần có để làm thủ tục nhận căn nhà này? Có đóng thuế khi nhận căn nhà theo di chúc ở Việt Nam không và bao nhiêu % ?
Do bạn không nói rõ thời điểm bà bạn mất là khi nào nên chúng tôi mặc định thời điểm bà bạn mất là năm 2009, do đó, thời điểm mở thừa kế là năm 2009 và đó cũng là thời điểm phát sinh quyền hưởng thừa kế của bạn. Do đó, chúng tôi áp dụng theo quy định của Luật nhà ở 2005, Luật Nhà ở sửa đổi 2009 để xác nhận bạn có quyền được sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam không. Bạn không nói rõ bà bạn chỉ để thừa kế cho bạn nhà ở thôi hay căn nhà là bao gồm cả nhà và quyền sử dụng đất nên chúng tôi mặc định là căn nhà gắn liền với đất.
Điều 1 Luật Nhà ở sửa đổi 2009 sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở 2005:
“Điều 126. Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”
Điều 2 Luật Nhà ở sửa đổi 2009 sửa đổi Điều 121 của Luật đất đai:
“Điều 121. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật này;
b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;
c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
d) Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam;
đ) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.”
Bạn vẫn định cư ở nước ngoài và chỉ có ý định về Việt Nam để nhận thừa kế căn nhà bà để cho bạn nên theo quy định của pháp luật, bạn không được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam nên bạn cũng không có quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Vì vậy, bạn chỉ được thừa kế giá trị căn nhà và giá trị quyền sử dụng đất gắn với căn nhà. Do đó, bạn được thực hiện quyền chuyển nhượng căn nhà và quyền sử dụng đất gắn với gắn nhà để được hưởng thừa kế giá trị của những tài sản trên.
Do bây giờ bạn mới quay về Việt Nam để hưởng quyền thừa kế của mình nên áp dụng quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 để thực hiện các thủ tục để được hưởng thừa kế.
Đầu tiên, bạn thực hiện thủ tục nhận thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất : Nộp hồ sơ nhận thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tới Văn phòng đăng ký đất đai. Hồ sơ gồm có:
+Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của bà bạn
+Di chúc của bà bạn
Sau đó, bạn thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất, hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng hoặc chứng thực.
Theo quy định tại điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 thì thu nhập từ nhận thừa kế bất động sản giữa ông bà và cháu sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.