Nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản. Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa.
06/04/2017 17:19
Mong luật sư giải đáp giúp tôi vấn đề sau:
Gia đình tôi có một thửa ruộng, ngay thửa bên cạnh là của gia đình khác. Nhưng mới đây họ đã trồng cây xoan lâu năm làm ảnh hưởng đến ruộng nhà tôi. Cành cây còn xòe qua ca ruộng. Tôi đã bảo với gia đình họ nhưng họ lại bảo ruộng nhà tôi tôi trồng.
Vậy tôi mong luật sư giải thích giúp đỡ cho tôi phải làm thế nào, mà họ trồng như vậy là đúng hay sai?
Trân trọng cảm ơn!
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Tại Điều 265 Bộ luật dân sự 2005 có quy định như sau:
“Điều 265. Nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản
1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.
2. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách.”
Đồng thời, tại Điều 6 Nghị định 35/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 6. Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa
1. Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.
2. Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
3. Canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái.
4. Người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:
a) Phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định này;
b) Không được làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất lúa ở các khu vực liền kề;
c) Trường hợp làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường nếu gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất lúa của các hộ ở khu vực liền kề;
d) Trường hợp đất bị nhiễm mặn tạm thời trong vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn, thì phải có biện pháp phục hồi để trồng vụ lúa ngay sau vụ nuôi trồng thủy sản.
6. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa:
a) Phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai đối với điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và quy định tại Điều 5 của Nghị định này;
b) Áp dụng các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước, không làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường thiệt hại.”
Theo thông tin bạn trình bày gia đình bạn có một thửa ruộng trồng mầu. Ngay thửa bên cạnh là của gia đình khác, mới đây họ trồng cây xoan lâu năm làm ảnh hưởng đến ruộng nhà bạn. Cành cây xòe qua cả ruộng nhà bạn. Căn cứ theo thông tin bạn trình bày và căn cứ theo quy định tại Điều 265 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 6 Nghị định 35/2015/NĐ-CP thì gia đình có thửa ruộng cạnh nhà bạn chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá và có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, nếu họ có thay đổi cơ cấu cây trồng thì phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc chuyển mục đích sử dụng đất thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời họ có trách nhiệm không được làm ảnh hưởng tới việc sản xuất của gia đình bạn. Bạn đã gặp trực tiếp gia đình đó để nói chuyện nhưng gia đình đó vẫn trồng cây xoan, do vậy, để đảm bảo được quyền lợi của gia đình tránh việc ảnh hưởng đến việc canh tác thì gia đình bạn có thể làm đơn trình báo gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã để được xem xét và giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.