Mua đất ở hai thửa khác nhau của cùng một chủ có hợp thửa được không?
27/07/2017 14:27
Mua đất ở hai thửa khác nhau của cùng một chủ có hợp thửa được không? Tôi mới đặt cọc 10 triệu để mua miếng đất 4.3 x 15 của ông Đ. Sau đó mới tìm hiểu thì miếng đất này nằm ở hai thửa đất khác nhau. Chủ miếng đất này bán cho Ông Đ và đã công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng. Nay ông Đ bán lại cho tôi và sẽ huỷ hợp đồng công chứng mà không đăng bộ được đợi tôi xây nhà xong thì mới hoàn công . Do ông chủ đất đó nợ nần ông Đ nên ông Đ yêu cầu ra huỷ hợp đồng công chứng bán cho tôi. Tôi muốn hỏi:
1. Việc ông Đ huỷ hợp đồng công chứng để bán cho tôi là sai khi tôi đặt cọc là 4.3 x 15 vậy thì Ông Đ phải có yêu cầu gì để ông chủ tách nốt phần 1,6 x 15 thửa 373 để gộp chung một phần thửa 368 thành diện tích 4.3 x 15 để bán cho tôi?
2. Có thể tiến hành hợp 2 miếng đất thành một thửa được không? Chi phí ai chịu?.
Công ty Luật Bảo Chính sẽ tư vấn cho bạn về vấn đề: “Mua đất ở hai thửa khác nhau của cùng một chủ ?” như sau:
Thứ nhất, về trường hợp tách thửa đất:
Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 82: Thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định:
1. Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008 mà đất đó chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì người nhận chuyển quyền sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật Đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được bắt buộc người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà bên nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ có Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất theo quy định thì thực hiện theo quy định như sau:
a) Người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện có;
b) Văn phòng đăng ký đất đai thông báo bằng văn bản cho bên chuyển quyền và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển quyền. Trường hợp không rõ địa chỉ của người chuyển quyền để thông báo thì phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương ba số liên tiếp (chi phí đăng tin do người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trả);
c) Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo hoặc đăng tin lần đầu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương mà không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp không nộp Giấy chứng nhận để làm thủ tục đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới cho bên nhận chuyển quyền.
Trường hợp có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn các bên nộp đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định.”
Theo thông tin bạn cung cấp, trường hợp này ông Đ đã mua từ chủ miếng đất có diện tích 10.80x 15. Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng. Do thông tin bạn cung cấp không đề cập đến thời gian mà ông Đ mua mảnh đất. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ mảnh đất không tiến hành tách thửa cho ông Đ để ông Đ bán đất cho bạn thì ông Đ vẫn có thể tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với miếng đất trên nếu ông Đ có hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất theo quy định.
Thứ hai, Về việc tiến hành gộp hai miếng đất thành một thửa được hay không?
Mảnh đất được hợp thửa phải là đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc hợp thửa đất phải phù hợp với quy hoạch của địa phương. Do đó, nếu hai mảnh đất kia của bạn đáp ứng đủ điều kiện này thì có thể tiến hành thủ tục hợp thửa. Để thực hiện hợp thửa đất, căn cứ Nghị định sô 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai:
“Điều 75. Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
4. Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;
b) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã”.
Theo đó, căn cứ khoản 11 Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính, hồ sơ mà bạn cần chuẩn bị bao gồm:
- Đơn đề nghị hợp thửa theo mẫu số 11/ĐK
- Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.
Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ, bạn gửi đến văn phòng đăng ký đất cấp huyện để giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Mua đất ở hai thửa khác nhau của cùng một chủ có hợp thửa được không?”, cho bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được giải đáp hoặc gọi 19006821 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!