Lối đi chung duy nhất giữa các hộ gia đình. Giải quyết tranh chấp lối đi chung duy nhất thuộc bất động sản liền kề.
24/04/2017 15:57
Xóm nhà tôi gồm 10 hộ gia đình cùng đi chung trên một con đường mà trước đây là con đường lưu thông chung để mọi người đi chợ. Đây cũng là mảnh đất của 2 cụ tôi để lại . Sau này do giao thông phát triển nên hình thành nhiều con đường khác nên con đường trên chỉ còn 10 hộ gia đình sử dụng và đa số là anh em trong gia đình. 2 cụ tôi trước đây có 5 người con nhưng có một người chết khi tham gia kháng chiến, còn lại 4 người gồm bà nội tôi là thứ hai, ông cậu 3, bà dì 4, và ông cậu út.
Khi 2 cụ còn sống có cho bà nội tôi một miếng đất ở gần 2 cụ, ở ngay mặt tiền nhưng sao đó bà nội tôi đã chuyển ra phía sau ở và để lại cho cô tôi ở. Đến khoảng năm 1992 thì cô tôi làm ăn ở Phú Quốc nên bỏ lại đất trên. Đến khoảng năm 1994 thì ông cậu 3 tôi xin 2 cụ và bà nội tôi để được ở tạm trên đất đó và hứa khi nào cô tôi về xây nhà thì trả lại. Bà nội tôi đã đồng ý. Cùng năm trên thì cụ ông chết và đến khoảng năm 2000 thì cụ bà cũng chết.
Trong thời gian từ năm 1994 đến 1996, ông cậu 3 đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ khu vực phần đất 2 cụ cho bà nội tôi và phần đất lẽ ra được 2 cụ chia cho ông cậu 6, chỉ trừ phần nhà đất của bà dì 4 đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đó, ông cậu 3 tôi đã được chia phần đất trước khi chuyển về sinh sống ở đây. Ngoài ra, khoảng năm 1995 thì cụ bà bệnh nặng và nằm một chổ, trí nhớ không còn minh mẫn, trong thời gian cụ bà bệnh chỉ một mình bà nội tôi chăm sóc. Khoảng năm 2005, khi cô tôi về thì xảy ra tranh chấp đất và 03 người lớn gồm ông cậu 3, bà nội tôi và ông cậu út chia cho cô tôi một phần, chú tôi (con ông cậu út) một phần, phần còn lại để lại cho ông cậu 3 tiếp tục sử dụng. Sau đó cô tôi tiếp tục đi làm ăn mà không sử dụng đến phần đất đó. Vào khoảng năm 2008, con ông cậu 3 xây nhà trên nền đất của chú tôi và nói là đã mua của chú tôi và không chịu đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ông cậu út tôi tách phần đất đó theo thỏa thuận trước đây. Sau đó, tiếp tục mua phần đất của cô tôi do ông cậu út đứng ra bán.
Đến năm 2015 Nhà nước có Quyết định hỗ trợ đất ở cho người nghèo, nên ông cậu 3 bán 2 phần đất mà trước đây là do con của bà dì 4 ở nên đã xảy ra tranh chấp với bà dì 4, nhưng vì ông có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bà dì tư ko thắng nên mới mời chị em trong nhà lại bàn bạc và tất cả thống nhất để ông cậu 3 bán phần đất đó và lúc đo đất để chừa lại con đường đi này. Nhưng bây giờ ông nói đất đó của ông, ông chỉ cho mượn để đi khi nào con ông xây nhà thì lấy lại. Chuyện đã được chính quyền xã giải quyết nhưng vẫn chưa thành, ở xã thì khuyên bà nội tôi không nên thưa kiện vì bà nội là "Bà mẹ việt nam anh hùng".
Vậy xin hỏi luật sư, tôi có cách nào để lấy lại phần đường đi trên không? Vì chuyện này nếu thất bại chúng tôi sẽ không có đường đi.
Cảm ơn luật sư!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Gia đình bạn tranh chấp đất đai cách đây đã lâu, gia đình đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp đó. Nên trường hợp này, chỉ có thể giải quyết đối với con đường là lối đi chung của các hộ gia đình.
“Điều 273 Bộ luật Dân sự quy định:
Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.”
“Điều 275 Bộ luật dân sự quy định:
1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”
Như vậy, lối đi này nếu thực sự là nhu cầu thiết yếu của các hộ gia đình, các hộ gia đình bị vây bọc bởi bất động sản của chủ sở hữu khác mà chỉ có duy nhất lối đi đó là đường đi lại ra vào thì các hộ gia đình được sử dụng một phần bất động sản của người đó làm lối đi chung.
Từ căn cứ nêu trên, các hộ gia đình nhà bạn có thể thương lượng, thỏa thuận về việc sử dụng lối đi chung này. Trong trường hợp không thể tiến hành thỏa thuận thì các bên có thể yêu cầu UBND cấp xã tiến hành hòa giải. Sau khi tiến hành hòa giải ở UBND cấp xã mà 2 bên hòa giải không thành thì các hộ gia đình bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có thửa đất để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.