Lâm trường có được phép khai thác, thu hồi đất rừng đã giao khoán không ?
31/03/2017 11:09
Thưa luật sư!
Tôi có thắc mắc sau xin nhờ luật sư tư vấn: năm 1992 dân chúng tôi nhận giao khoan trồng rừng phòng hộ đầu nguồn 327 và 661 với lâm trường lộc bình nhằm xóa đói giảm nghèo theo chủ chương của đảng nà nhà nước. Lâm trường có được phép khai thác, thu hồi đất rừng của chúng tôi hay không ?
Chúng tôi phải làm như thế nào ? Khi đó lâm trường chỉ cung cấp cho chúng tôi hạt giống cây thông để dân chúng tôi tự ươm rồi mang đi trồng theo các diện tích mà chúng tôi được giao khoán, kinh phí trăm sóc, bảo vệ… chúng tôi không được nhận đầy đủ như trong hợp đồng do khi đó lâm trường nói là chưa có kinh phí từ đó tới nay dân chúng tôi đã bảo vệ, trăm sóc rừng đã được 24 năm.
Trong suốt 24 năm qua mỗi khi có hỏa hoan cháy rừng, đại dịch sâu thông sảy phía lâm trường cũng không cử người hay cung cấp thốc trừ sâu cho chúng tôi để phun trừ sâu hại, cháy rứng nhà ai thì nhà đó tự đi rập lửa, sâu dịch nhà ai nhà đó tự bỏ tiền ra để mua thuốc trừ sâu, lâm trường bỏ mặc cho chúng tôi như thế. năm 2010 luật đất đai ra đời lâm trường đã quy hoạch tất cả các diện tích rừng mà chúng tôi quản ly thành đất rừng của lâm trương và đã được cấp sổ đỏ mà dân chúng tôi không hề được biết hơn nữa để được khai thác lâm trường đã tự chuyển đổi hợp đồng của chúng tôi từ rừng phòng hộ đầu nguôn sang rừng sản xuất mà không thông báo gì cho chúng tôi. nay lâm trường vào thông báo là đất và rừng mà chúng tôi đang trăm sóc, bảo vệ từ trước tới nay là của lâm trường, lâm trường sẽ tiến hành khai thác gỗ và thu hồi đất. dân chúng tôi quản ly đất và rừng từ trước năm 2010 khi luật đất đai ra đời thì lại không được cấp sổ bìa đỏ đất rừng để ổn định phát triển kinh tế xóa đỏi giảm nghèo.
Vậy xin hỏi luật sư diện tích đất rừng mà chúng tôi đang quản lý, bảo vệ này có thuộc về chúng tôi hay không ?
Lâm trường lộc bình tự chuyển đổi hợp đồng mà không thông báo cho dân như vạy là đúng hay sai? Lâm trường có được phép khai thác, thu hồi đất rừng của chúng tôi hay không ? Chúng tôi phải làm như thế nào ?
Rất mong được câu trả lời của luật sư.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Diện tích đất rừng mà bạn quản lý thuộc quyền quản lý của bạn cho đến hết thời hạn giao khoán theo hợp đồng. Tuy nhiên, bạn không thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất rừng này bởi bạn chỉ được nhận giao khoán có thời hạn từ lâm trường. Hiện tại vì chúng tôi không biết rõ được hợp đồng giao khoán của bạn hình thức ra sao và thời hạn giao khoán là bao nhiêu nên chưa thể nói rõ về thời hạn hết quyền lợi của bạn trên diện tích đất rừng này.
Lâm trường tự chuyển đổi rừng từ phòng hộ sang rừng sản xuất là phù hợp theo quy định của Thông tư 24/2009/TT-BNN và vẫn giao cho chủ cũ đang trong thời gian giao khoán. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho người được giao khoán.
Lâm trường được phép khai thác và thu hồi đất rừng đã giao khoán cho bạn hay không còn tùy vào chu kỳ kinh doanh của rừng bởi nó đã được chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. bởi theo Điều 11 Nghị định 01/CP thì:
“Điều 11.- Giao khoán đất lâm nghiệp:
1/ Bên giao khoán xác định diện tích, hiện trạng, vị trí, ranh giới từng lô, khoảnh rừng trên thực địa và bản đồ để giao cho bên nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng theo hợp đồng;
2/ Thời hạn giao khoán đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là 50 năm; đối với rừng sản xuất thì theo chu kỳ kinh doanh.”
Ở trường hợp này bạn có quyền được yêu cầu Lâm trường phải thực hiện đủ quyền lợi cho bạn đối với rừng phòng hộ theo Điều 6 Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001quy định:
Điều 6. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ:
1. Được Nhà nước cấp kinh phí để trồng và chăm sóc rừng theo quy định hiện hành.
2. Được sử dụng cây nông nghiệp lâu năm làm cây trồng chính rừng phòng hộ hoặc trồng xen với cây rừng bản địa lâu năm theo thiết kế trồng rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
3. Được hưởng 100% sản phẩm khai thác từ cây phù trợ, cây trồng xen, sản phẩm tỉa thưa theo thiết kế được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và phải đảm bảo độ tàn che của rừng trên 0,6 sau khi tỉa thưa.
4. Được sử dụng tối đa không quá 20% diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp.
5. Được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác theo thiết kế được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp giấy phép khai thác.
Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế được phân chia theo tỷ lệ như sau: hộ gia đình, cá nhân được hưởng từ 90 - 95%, phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước.
6. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư vốn để trồng rừng thì được hưởng 100% sản phẩm khi rừng đạt tuổi khai thác, mỗi năm được phép khai thác không quá 10% diện tích do chủ rừng đã gây trồng thành rừng theo quy trình, quy phạm kỹ thuật hiện hành.”
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.