Làm thế nào để đòi lại sổ đỏ của gia đình mình
05/04/2017 10:30
Xin chào Luật Bảo Chính!
Tôi có câu hỏi mong được giải đáp: Năm 2004, cô tôi vì cần vốn để kinh doanh nên đã lấy sổ đỏ của gia đình đứng tên bà nội tôi (nhưng nay bà đã chết) và được bà nội tôi cho phép để thế chấp cho người A ở xã khác với số tiền là 20 triệu, mà chỉ nói miệng không làm giấy tờ gì hết.Nay tôi có việc cần dùng đến sổ đỏ và muốn lấy về. Khi xuống hỏi hai bên nói chuyện thì người A lại nói là lúc đó cô tôi thế chấp với số tiền là 30 triệu. Hai bên tranh cãi cho tới khi người A tuyên bố rằng phải đưa 50 triệu tới thì mới cho lấy sổ về, không thì thôi. Vậy tôi nên làm thế nào để đòi lại sổ đỏ về?
Xin cảm ơn!
Kính thưa Quý khách hàng, Công ty TNHH Luật Bảo Chính đã nhận được yêu cầu của Quý khách. Vấn đề của Quý khách chúng tôi tư vấn giải đáp như sau:
Về việc vay tiền của cô bạn, BLDS quy định nghĩa vụ của bên vay tài sản như sau:
"Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
....
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."
Căn cứ vào quy định trên, ngoài khoản tiền gốc cô bạn đã vay, bạn còn phải trả thêm một khoản tiền lãi cho bên cho vay. Do bạn không cung cấp thông tin chi tiết về hợp đồng vay tiền với các vấn đề như thời hạn vay, lãi suất vay, phạt trả chậm,... của cô bạn với bên cho vay là ông A cho nên chúng tôi không có căn cứ để tính tiền lãi vay mà cô bạn phải trả để thực hiện hợp đồng vay này tức số tiền bạn dùng để lấy lại sổ đỏ. Mặt khác, hiện tại số tiền vẫn là vấn đề hai bên không thống nhất, để chứng minh được số tiền cô bạn đã vay, hai bên phải đưa ra các căn cứ pháp lý chứng minh được số tiền thực sự đã vay trên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 342 BLDS:
"Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp."
Căn cứ vào quy định trên, tài sản mà cô của bạn đem ra thế chấp là quyền sử dụng đất, sổ đỏ là căn cứ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất của gia đình bạn được cô bạn đưa cho ông A để thế chấp quyền sử dụng đất, vay số tiền 20 triệu.
Về mặt hình thức của giao dịch đảm bảo này, Điều 343 BLDS quy định:
"Điều 343. Hình thức thế chấp tài sản
Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký."
Tuy nhiên, theo thông tin mà bạn cung cấp, kể cả việc vay tiền và việc thế chấp quyền sử dụng đất của cô bạn đều không có bất kỳ giấy tờ nào. Do đó, không đủ căn cứ pháp lý để chứng minh giao dịch của hai bên. Như vậy, nếu xảy ra tranh chấp về việc số tiền vay giữa cô bạn và bên cho vay, nhận thế chấp thì bạn nên tiến hành khởi kiện về tranh chấp hợp đồng dân sự.
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 BLTTDS 2015, bạn gửi đơn đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp và đòi lại giấy tờ về quyền sử dụng đất cho gia đình bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.