Làm thế nào để đòi lại lối đi chung?
10/04/2017 15:49Gia đình tôi có mua 1 phần đất cách đây 15 năm và trước giờ vẫn đi trên con đường ngang phần đất của bên A, trước khi người A này đến mua lại phần đất này thì đã có con đường đi này. Trong 15 năm nay còn đường này vẫn là đường đi chính và hàng năm đều được tu sửa (đổ đá xanh). Con đường này chỉ đi có 3 hộ đi ( gia đình tôi, bên A, bên B chỉ có phần đất trồng trọt và chỉ đến đó chăm sóc chứ không xây nhà ở lại). Gia đình tôi ở cuối con đường và thời gian gần đây bên A bán đi phần đất có con đường đi này cho bên C và bên C đã rào lại con đường này không cho gia đình tôi đi qua. Con đường này trước khi bên A mua là đã có và đã được sử dụng được gần 20 năm. Gia đình tôi cũng có trao đổi với bên C nhưng vẫn không thay đổi được quyết định. Đề nghị Luật sư tư vấn, bên C làm vậy là có đúng luật không và gia đình tôi cần phải làm gì để giải quyết được vấn đề này?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Liên quan đến vấn đề của anh (chị), chúng tôi xin trích dẫn Điều 275 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền về lối đi qua bất động sản liền kề như sau:
"1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù".
Tuy nhiên, trước khi có thể giải quyết được trường hợp này thì cần xác định con đường đi này là đường đi chung hay là thuộc quyền sử dụng của riêng bên C. Mà để xác định được đường đi này là đường đi chung hay thuộc quyền sử dụng của riêng gia đình nào cần phải xem xét về nguồn gốc của đường đi này và các giấy tờ, hồ sơ địa chính được lưu trữ cũng như các văn bản thỏa thuận về đường đi chung của những người chủ trước khi chuyển nhượng lại cho bên A cũng như khi bên A bán lại cho bên C với gia đình anh (chị) và 1 gia đình bên B.
Nếu trong hồ sơ địa chính, giấy tờ đều thể hiện lối đi này đã hình thành từ trước đó và nằm trong phần diện tích đất của bên A sau đó bán lại cho bên C đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng chưa có sự thỏa thuận nào về lối đi này thì đây là cơ sở cho việc bên C có quyền sử dụng đất đối với đường đi đó. Trường hợp đất của nhà anh (chị) bị bao bọc bởi các mảnh đất khác, lối đi qua phần diện tích đất bên C là lối đi duy nhất của nhà anh (chị) thì theo Điều 275Bộ Luật Dân sự 2005bên C phải có nghĩa vụ dành lối đi đó cho nhà anh (chị) và nhà anh (chị) phải có nghĩa vụ đền bù.
Còn trong trường hợp tại hồ sơ địa chính thể hiện đây là lối đi chung của các gia đình đã hình thành từ trước hoặc lối đi riêng thuộc phần đất của một bên nhưng đã có văn bản thỏa thuận đây là lối đi chung của những người chủ trước khi chuyển nhượng thì gia đình anh (chị) đương nhiên được sử dụng lối đi chung đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.