Làm gì khi không đòi lại được sổ đỏ sở hữu đất của gia đình ?
03/04/2017 16:12
Xin chào Công ty luật Bảo Chính, em có câu hỏi xin được giải đáp như sau:
Gia đình em thuần nông. Cách đây 02 năm, một bác cán bộ trong làng dẫn vào nhà em một ông Giám đốc xây dựng công trình Cầu Nhật Tân ạ, ông ấy muốn mua 1 ít đất ruộng, tầm 10 thước thôi ạ, tại nó bị dư ra do đợt lấy đất xây đường Võ Nguyên Giáp.
Ông ấy cầm sổ đất ruộng của nhà em và đưa trước cho nhà em 10 triệu, nói là sẽ mua thêm đất của đội, có ký hợp đồng . Nhưng thời gian trôi qua, nửa năm, một tháng, mỗi lần bố em gọi điện hỏi thì ông ấy đều bảo bận. 02 năm trôi qua không thấy tăm hơi gì. Dạo gần đây, bố em gọi điện rất nhiều nhưng ông ta không nghe máy.
Vậy em xin hỏi là bấy giờ gia đình em nên làm gì ạ? Với liệu ông ta cầm sổ đất ruộng của nhà em như vậy thì ông ta có thể làm những gì và gây hại gì đến gia đình em không ạ?
Em xin chân thành cảm ơn.
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty luật Bảo Chính. Về nội dung bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:
Thứ nhất, làm gì khi không đòi lại được sổ đỏ cũng như số tiền còn lại theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất?
Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn đã rất nhiều lần yêu cầu bên kia (người đàn ông cầm sổ đỏ của gia đình bạn) trả lại sổ đỏ nhưng đều không đòi lại được. Trong trường hợp này, bạn có thể trình báo với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Theo đó, hành vi của họ sẽ bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, bạn có thể báo mất để được cấp lại.
Về phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của gia đình bạn và bên kia, theo thông tin bạn cung cấp thì hai bên đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, ở đây bạn chưa nói rõ hợp đồng đã được công chứng chưa, đã làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bên kia chưa, thoả thuận cụ thể hai bên về thời hạn thực hiện hợp đồng cũng như các thoả thuận khác như thế nào nên chúng tôi chưa thể tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, nếu hợp đồng tuân thủ điều kiện có hiệu lực (như về hình thức: đã công chứng, nội dung thoả thuận không trái quy định pháp luật...) và gia đình bạn đã thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng, mà bên kia không thực hiện theo thoả thuận thì gia đình bạn có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên kia vẫn không thực hiện nghĩa vụ thì bạn có quyền kiện ra toà để được bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, người khác cầm sổ đất ruộng của nhà bạn có thể làm những gì và có gây hại gì đến gia đình bạn không?
Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Mà Khoản 8, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Giấy tờ có giá bao gồm: Séc, trái phiếu Chính phủ, kỳ phiếu, cổ phiếu…
Hơn nữa, Khoản 16, Điều , Luật đất đai 2013 quy định: " Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất."
Như vậy, sổ đỏ (Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất) chỉ là sự xác nhận về quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức, bản thân nó cũng không phải là quyền sử dụng đất. Do vậy, khi bị người khác chiếm đoạt sổ đỏ mà không đòi lại được, bạn có quyền làm thủ tục xin cấp lại. Người khác cầm sổ đỏ của nhà bạn không thể tự ý chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất của gia đình bạn mà không có sự đồng ý của người đứng tên trong sổ đỏ.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi 19006281 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.