Khi diện tích đất trên sổ đỏ và thực tế không giống nhau
27/07/2017 15:55Khi diện tích đất trên sổ đỏ và thực tế không giống nhau? Gia đình em có mảnh đất theo sổ đỏ là: 931 m2, cấp năm 1992 nhưng do bố mẹ em đã mua thêm 8m50 mặt đường không vào sổ đỏ nhưng sinh sống từ trước năm 1980 được chứng nhận là không có tranh chấp. Năm 2013 nhà nước mở đường QL37 và ban giải phóng mặt bằng lấy 527 m2 và đã đền bù xong. Hiện tại ban địa chính xã làm lại trả sổ đỏ,tổng diện tích 457,1m2. Có tăng thêm 50m2 là do đo đạc, ghi chép sai số. Gia đình em thấy chưa thỏa đáng. Em có mua thước dây 50m về đo lại thì thực tế là thiếu 30m2. Địa chính xã lý giải là do có 2m mặt tiền sâu vô 13m là rãnh trên bản đồ có ghi thế. Nhưng thực tế thì có đường đi lại xuống đồng cách 5m mới tới ranh giới giáp ranh giữa 2 nhà là 1 tường gạch xây kiên cố. Gia đình e làm thế nào để vào bìa đỏ cho đủ ?
Công ty luật Bảo Chính cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn. Với các vấn đề bạn đang thắc mắc, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn như sau:
Điều 204 Luật đất đai 2013 quy định giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai như sau:
"Điều 204. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai
1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính."
Khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại 2011 quy định:
“Điều 7. Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì cơ quan có thẩm quyền đã cấp sổ đỏ nhưng không đúng diện tích lô đất nhà bạn. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn nên khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính này đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chí Linh, hoặc Tòa án nhân dân huyện Chí Linh để giải quyết.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Điều 30 Luật khiếu nại 2011 quy định:
"Điều 30. Tổ chức đối thoại
1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
2. Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
3. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
4. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
5. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại."
Như vậy, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại. Và việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia.
Trong trường hợp của bạn thanh tra UBND huyện có mời bạn lên giải quyết và lập một biên bản các bên tham gia ký vào biên bản đó. Như vậy là khi nhận được đơn khiếu nại của bạn, UBND huyện đã thực hiện tổ chức đối thoại, giải quyết khiếu nại cho bạn theo quy định của pháp luật. Với biên bản đối thoại, theo quy định tại khoản 4 Điều 30 nêu trên thì biên bản này sẽ được lưu vào hồ sơ giải quyết khiếu nại.
Quyết định mà thanh tra nói sẽ gửi đến cho các bên là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, quyết định này sẽ bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 31 Luật khiếu nại 2011 như sau:
"Điều 31. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;
c) Nội dung khiếu nại;
d) Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
đ) Kết quả đối thoại (nếu có);
e) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
g) Kết luận nội dung khiếu nại;
h) Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;
i) Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có);
i) Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
3. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
Điều 32. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
Theo quy định tại Điều 32 thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, cơ quan thanh tra có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho bạn.”
Điều 28 Luật khiếu nại 2011 quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu như sau:
“Điều 28. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Điều 37. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai
“Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý."
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Khi diện tích đất trên sổ đỏ và thực tế không giống nhau và trình tự khiếu nại” cho bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được giải đáp hoặc gọi 19006821 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!