Khi bán căn nhà được thừa kế cần tiến hành thủ tục gì
02/08/2017 14:20Khi bán căn nhà được thừa kế cần tiến hành thủ tục gì? Ba và mẹ mình cùng đứng tên sổ hồng căn nhà, khi ba mình mất thì đã làm Văn bản những người thừa kế ( mẹ mình và 5 người con). Hiện nhà mình muốn bán thì cần thủ tục gì? (có 3 người con đang sinh sống ở nước ngoài nhưng lúc trước mẹ mình đi du lịch có in 1 hợp đồng bán nhà đưa 3 người con này kí thì có dùng được không? Xin cảm ơn.
Công ty Luật Bảo Chính sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, sổ hồng căn nhà đứng tên bố mẹ bạn. Khi bố bạn mất đã làm văn bản những người thừa kế(có thể là di chúc). Và hiện nay nhà bạn đều muốn bán nhà. Trường hợp là tài sản chung của bố, mẹ bạn thì về nguyên tắc 1/2 số tài sản đó là của mẹ bạn, phần còn lại là của bố bạn sẽ được chia đều cho những người thừa kế. Do bố bạn mất có để lại di chúc hay không nên chúng tôi cũng không rõ. Trong trường hợp không có di chúc thì toàn bộ di sản thừa kế của bố bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật tại điều 651 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Như vậy, mẹ bạn và những người thuộc điều luật trên thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Ngoài ra, bạn có đề cập đến văn bản những người thừa kế và hợp đồng bán nhà, nhưng chưa nói rõ văn bản đó(có phải là di chúc hay văn bản khai nhận phân chia thừa kế) đã được công chứng hay chứng thực hay chưa. Do đó, các văn bản này phải được công chứng hay chứng thực (kể cả trường hợp có di chúc) theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng về Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản
“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
……...”
Trong nội dung văn bản khai nhận thừa kế, mẹ bạn và những người thừa kế sẽ thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản thừa kế và nộp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan công chứng. Sau khi nộp đủ hồ sơ, cơ quan công chứng sẽ kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản và UBND cấp xã nơi có bất động sản. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57 Luật Công chứng. Văn bản được công chứng sẽ là căn cứ để để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho những người được hưởng di sản thừa kế. Và sau khi được chuyển quyền sở hữu nhà thì gia đình bạn mới được bán ngôi nhà đó thông qua sự đồng ý của các đồng sở hữu căn nhà đó.
Hoặc để việc mua bán nhà diễn ra đơn giản, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn đó là trong quá trình phân chia di sản, những người thừa kế di sản có quyền thỏa thuận với nhau tặng cho di sản để một mình mẹ bạn hoặc ai đó thuộc hàng thừa kế đứng tên trên ngôi nhà hoặc khai nhận rồi ủy quyền cho một người ở Việt Nam thực hiện giao dịch. Như vậy, khi bán nhà thủ tục sẽ nhanh gọn hơn.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Khi bán căn nhà được thừa kế cần tiến hành thủ tục gì?”, cho bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi để được giải đáp hoặc gọi 19006821 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!