Khai thác rừng thuộc rừng phòng hộ có vi phạm không?
10/04/2017 14:16
Hiện nay gia đình tôi có khai thác một số cây đó gia đình khoanh nuôi thuộc rừng phòng hộ. Tính từ khi nhà nước giao bìa đỏ đến nay là hơn 19 năm. Mục đích là cắt làm cọc rào để bảo vệ trâu bò, người vào phá rừng.
Vậy cho tôi hỏi việc làm của tôi như vậy có vi phạm pháp luật không?
Trân trọng cảm ơn!
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 4 Quyết định 178/2001/QĐ-TTg về việc hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ và xây dựng:
"1. Được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Được tiến hành các hoạt động dịch vụ nghiên cứu khoa học, văn hoá, xã hội và du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật."
Đồng thời, theo quy định tại Điều 5 Quyết định 178/2001/QĐ-TTg về hộ gia đình, cá nhân được giao rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh:
"1. Được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy định hiện hành.
2. Được thu hái lâm sản phụ, hoa, quả, dầu, nhựa..., trong quá trình bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy định hiện hành.
3. Được khai thác cây gỗ chết khô, cây đổ gẫy, cây sâu bệnh theo thiết kế khai thác do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp giấy phép. Lâm sản nói trên được tự do lưu thông khi có đủ thủ tục theo quy định.
4. Được khai thác tre, nứa với cường độ tối đa 30% khi rừng đạt độ che phủ 80% trên diện tích đất được giao theo quy chế khai thác lâm sản hiện hành; được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản thu được sau khi nộp thuế.
5. Được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác (trừ những động vật, thực vật nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm theo quy định của Chính phủ và danh mục động vật, thực vật ghi trong phụ lục công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES ) theo thiết kế được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp giấy phép khai thác. Việc khai thác phải tuân theo quy chế khai thác lâm sản hiện hành. Hộ gia đình, cá nhân được hưởng từ 85% - 90% sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước."
Có thể thấy, theo quy định trên thì không nói đến việc bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời gian bao lâu mà chỉ đề cập đến viêc những loại cây nào mà bạn có thể được khai thác khi được nhà nước giao rừng để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh. Những lâm sản mà bạn có quyền khai thác ở đây là được thu hái lâm sản phụ, hoa, quả, dầu, nhựa...; được khai thác cây gỗ chết khô, cây đổ gẫy, cây sâu bệnh theo thiết kế khai thác do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp giấy phép; được khai thác tre, nứa với cường độ tối đa 30% khi rừng đạt độ che phủ 80% trên diện tích đất được giao theo quy chế khai thác lâm sản hiện hành; được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác...Do không rõ rừng phòng hộ được giao cho bạn đã đến thời gian khai thác theo thiết kế của Sở nông nghiệp hay chưa nên nêu đã đến thời gian khai thác gỗ thì bạn hoàn toàn có quyền khai thác trong phạm vi mà Sở cho phép và sử dụng chúng vào mục đích gì cũng sẽ do bạn quyết định còn nếu chưa đến thời gian mà bạn lại tự ý chặt một số gỗ rồi làm tường rào xung quanh dù với mục đích bảo vệ rừng nhưng những cây bạn chặt không nằm trong diện được phép khai thác thì vẫn coi như bạn đã vi phạm quy định. Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện bạn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường, đồng thời còn có thể bị tịch thu diện tích đất đã giao.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.