Hướng dẫn giải quyết lấn chiếm đất đai
23/12/2016 11:55
Tôi tha thiết muốn nhờ luật sư tư vấn một việc như sau:
Gia đình tôi có mảnh đất tại Khu 6 - Thị trấn Mường Khến - Tân Lạc - Hòa Bình được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất ngày 27/3/2002 tờ số 9 tại thửa 89 diện tích 253.1 m2. Tôi đã sử dụng thửa đất này từ năm 1996 đến nay.
Trước đây gia đình tôi có xây dựng nhà ở và công trình chăn nuôi. Phía trước nhà ở, tôi có để ra 1m làm lối đi, phía sau tôi xây chuồng lợn để chừa ra 20 cm cho mái giọt gianh chảy vào đất nhà mình. Sau đó, ông Cao Bá Chắc xây nhà ở có lấn sang đất nhà tôi. Thấy vậy, tôi đã có ý kiến đề nghị ông Chắc không được lấn chiếm sang phần đất của nhà tôi thì ông Chắc đã xây rụt vào và trả lại phần đất cho nhà tôi. Đến khi có công trình nước sạch, gia đình ông Cao Bá Chắc định đặt đường ống nước trên phần đất nhà tôi nhưng tôi không đồng ý. Tôi đã mời địa chính thị trấn đến đo. Anh Sáu - cán bộ địa chính thời điểm đó đã đến đo đủ phần đất nhà tôi cho đến bây giờ. Tôi vẫn nghĩ rằng đo như thế là đã giải quyết xong. Vì điều kiện tôi chưa xây dựng kiên cố được phần đất còn lại, sau ông Chắt cũng mất.
Đến năm 2014 anh Cao Bá Chính là con trai ông Chắc đã cố tình lợp mái tôn chìa sang đất nhà tôi 20cm. Tôi nghĩ đó là hành lang nên tôi không nói gì. Thấy vậy, đến tháng 11/2015 anh Chính lại tiếp tục xây dựng phía sau. Anh xây bể nước sát vào phần tường để chừa ra 20 cm của nhà tôi. Vì thế, tôi đã làm đơn đưa ra thị trấn nhờ giải quyết. Sau đó UBND Thị trấn mường khến đã giải quyết (cán bộ địa chính thị trấn có đo và thấy đất nhà tôi thiếu, nhà anh Chính thừa liền giấu tờ biên bản đo đi và nói mất rồi),có biên bản hòa giải không thành.
Tôi đã nộp đơn ra tòa án huyện, được hướng dẫn yêu cầu thị trấn hòa giải lần 2 và không thành. Tuy nhiên, tòa án huyện ỉm hồ sơ của nhà tôi 5 tháng (do người của tòa án quen biết với anh Cao Bá Chính - Giám đốc đài truyền hình huyện).
Vì vậy gia đình tôi đã nộp trực tiếp hồ sơ lên tòa án tỉnh và được tòa án tỉnh hướng dẫn như sau:
- Đo đạc lại đất của gia đình xem tổng diện tích đang sử dụng là bao nhiêu, nhà hàng xóm lấn chiếm bao nhiêu so với sổ đỏ được cấp là bao nhiêu.
- Yêu cầu thị trấn khi hòa giải phải có sổ đỏ của hai nhà và thực tế đất hiện đang sử dụng của hai nhà là bao nhiêu?
Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp, với thực tế trên của nhà tôi thì bây giờ tôi phải viết đơn gì để được thị trấn đo đạc lại đất đai và hòa giải lần 3 dựa trên sổ đỏ hai nhà? Nội dung đơn tôi sẽ phải viết như thế nào ạ?
Cảm ơn luật sư rất nhiều! Gia đình tôi là dân thường, còn anh chính là cán bộ truyền hình huyện. Chúng tôi rất bức xúc khi bị lấn chiếm mà không được hướng dẫn và giải quyết cụ thể.(huyentrang8785@...)
Vụ việc của bạn đã nộp đơn ra tòa án huyện, được hướng dẫn yêu cầu thị trấn hòa giải lần 2 và không thành.
Tuy nhiên, tòa án huyện ỉm hồ sơ 5 tháng . Vì vậy gia đình bạn đã nộp trực tiếp hồ sơ lên tòa án tỉnh và được tòa án tỉnh hướng dẫn theo thông tin như trên.
Như vậy, vụ việc của bạn nêu ở đây là vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, cụ thể hơn là tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau về ranh giới giữa các vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Đây là tranh chấp về ranh giới. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới và chiếm luôn diện tích đất của người nhà bạn. Những trường hợp tranh chấp này xảy ra thường do ranh giới đất giữa những người sử dụng đất liền kề không rõ ràng. Do đó, Theo khoản 1 điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”. Theo đó, khi bạn khởi kiện vụ việc thì phải chứng minh số diện tích đất bị lấn chiếm và phải chỉ rõ số diện tích của nhà bạn và nhà hàng xóm là bao nhiêu, cụ thể và chi tiết trên sơ đồ thửa đất.
Căn cứ Khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định “Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”. Theo đó, bạn phải đưa ra đưa ra chứng cứ để chứng minh diện tích đất bị lấn chiếm bằng cách thu thập chứng cứ để chứng minh việc khởi kiện của mình.
Để có được chứng cứ, chứng minh yêu cầu của ình một cách hợp pháp bạn phải thu thập chứn cứ bằng cách:
1.Giấy CNQSD đất của nhà bạn và của nhà hàng xóm lấn chiếm kia
2. Trich lục sơ đồ thửa đất
3. Yêu cầu cung cấp thông tin toàn bộ thửa đất(Phòng tài nguyên môi trường).
Do bạn không nỗi đất thửa đất nhà bạn có Giấy CNQSD đất hay không nên tôi tạm tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Như vậy, hòa giải tại UBND cấp xã là điều kiện bắt buộc trước khi khởi kiện ra Tòa án. Trong trường hợp của bạn khi xảy ra tranh chấp đất đai với anh Chính đã được UBND cấp huyện hòa giải 2 lần không thành và bạn tiếp tục hòa giải lần 3 với các điều kiện tôi dã nói ở trên thì bạn có quyền nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Về thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp trong trường hợp này. Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự về thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện. Và theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Như vậy, bạn có thể nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang cư trú.
Về hồ sơ khởi kiện, Sau khi UBND xã tiến hành hòa giải không thành giữa gia đình bạn và gia đình anh Chính thì bạn có quyền nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang cư trú. Hồ sơ bạn cần chuẩn bị:
-Đơn khởi kiện. Về nôi dung đơn khởi kiện thì tùy theo mẫu của Tòa án, nội dung chính bạn cần thể hiện được đó là thông tin cụ thể về mảnh đất của bạn(diện tích, chiều dài chiều rộng, diện tích thực đang được sử dụng). Trình bày việc bạn đã chừa 20cm để cho mái giọt gianh chảy về nhà mình và quá trình tranh chấp giữa bạn và ông Chắc, sau này là anh Chính (con ông Chắc) như thế nào?. Thể hiện yêu cầu của bạn ( tiến hành đo đạc lại diện tích đất giữa 2 gia đình, yêu cầu anh Chính cung cấp các giấy tờ đo đạc)…. Các giấy tờ tài liệu liên quan đến mảnh đất như GCN quyền sử dụng đấy, trích lục bản đồ địa chính, giấy tờ mà cán bộ địa chính đã đo đạc lại, biên bản hòa giải không thành….
Trên đây là nội dung trả lời cho trường hợp của bạn, hy vọng có thể giúp bạn trong quá trình giải quyết việc này.
Nếu bạn có bất kỳ vướng mắc nào khác vui lòng Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.