Hướng dẫn giải quyết khi tranh chấp đất đai ?
03/04/2017 14:15
Xin chào Công ty luật Bảo Chính, tôi có câu hỏi cần được giải đáp:
Vào tháng 9/2003 Bà L.T.Đ– mẹ ruột của tôi có để lại cho tôi hai thửa đất thuộc tờ bản đồ số:6 bao gồm thửa 962, đất ruộng với diện tích là 2341 m2 và thửa 846 đất thổ cư với diện tích 2093 m2, trong đó thửa 846 đất thổ hình chữ ‘L’ đang bị ông Nguyễn Văn S ngang nhiên chiếm sử dụng phần đuôi của chữ ‘L’ với diện tích là 800m2
Vào tháng 4/2007 Ông S đào phần đất thổ thửa 846 của tôi mà đấp nền cho con trai thứ 2. Không những vậy còn cất nhà lấn và nằm trên đất của tôi, mặc cho gia đình tôi ngăn cản. Bên cạnh đó ông ta còn đào sâu hơn để thả cá, nuôi vịt, xả thải nước bẩn sinh hoạt, phân bò.
Đến 11/2014 ông S lại kêu đào ao rộng hơn để lấy đất đấp nền cho con trai thứ 5. Quá bức xúc nên tôi gửi đơn hòa giải lên ấp vào chiều ngày 8/5/2016 tại nhà của ông M - trưởng ấp, nhưng không thành.
Sau đó hòa giải lúc 8h sáng 19/7/2016 tại UBND Xã L – cũng không thành,nhưng có lẽ nhận thấy hành vi của mình là sai nên ông S về tháo dở chuồng bò, chuồng vịt trên đất tôi lúc 14h thứ bảy ngày 23/07/2016, nhưng nhà sau của con ông S vẫn còn nằm trên đất của tôi, tôi yêu cầu tháo dở nhưng ông S không đồng ý.
Vào ngày 27/7/2016 tôi có gửi đơn Khởi Kiện Lên Tòa Án Nhân Dân Tp Tân An – Long An yêu cầu ông S trả lại phần đất 800m2 thuộc thửa 846, tờ bản đồ số 6, được cấp giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất vào ngày 20 tháng 09 năm 2003. Nay con tôi đã 20 tuổi rồi, tôi đã ủy quyền cho con trai tôi là Đ.
Tôi đang rất buồn rầu và lo lắng không biết phải đối mặt với những câu hỏi của tòa án : "Tại sao đất của mình mà để cho người khác sử dụng trong 13 năm như vậy?
Thật tình là nhà tôi chỉ có 3 người, ai cũng ốm yếu luôn bị họ đe dọa , chửi bới, lấn chiếm sử dụng đất của tôi. Nên sự việc mới xảy ra như vậy.
Cho tôi xin hỏi trường hợp của tôi như vậy tôi có được quyền đòi bồi thường chi phí mà họ đã sử dụng đất của tôi trong 13 năm qua không ạ?
Trân trọng cảm ơn.
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Công ty luật Bảo Chính. Chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau.
Phần đất thổ cư thuộc sở hữu hợp pháp của anh được mẹ anh để lại theo đúng theo quy định pháp luật và đã dược cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương thì cá nhân, tổ chức khác phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền sở hữu của chủ sở hữu với đất đai của mình.
Luật Đất đai 2013 quy định về những hành vi bị cấm như sau:
Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Vậy,theo sự kiện xảy ra thì hộ gia đình của ông Nguyễn Văn S đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 12 về hành vi lấn, chiếm đất đai.
Với hành vi lấn, chiếm đất này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Điều 10. Lấn, chiếm đất
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này".
Trong trường hợp tranh chấp này gia đình anh tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì tiến hành khởi kiện ra tòa án theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự 2005.
Điều 204. Hòa giải tranh chấp đất đai.
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Điều 205. Giải quyết tố cáo về đất đai.
1. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
2. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Điều 206. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.
Như vậy, ông S đã vi phạm quy định của pháp luật đất đai về lấn chiếm đất của người khác. Do đó, ông S buộc phải trả đất lấn, chiếm của gia đình anh và bồi thường cho gia đình anh theo quy định của pháp luật
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể gọi 19006281 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.