Hộ gia đình, cá nhân có quyền yêu cầu di dời cột điện theo ý muốn hay không?
09/05/2017 16:27Bên sườn nhà tôi đang ở có một phần đất lưu không nằm sát đường vào ngõ, gia đình tôi đã sử dụng từ năm 1980 làm sân nhà. Gia đình hàng xóm đối diện có một chiếc cột điện nằm trong đất của nhà họ. Gia đình họ muốn chuyển cột điện đó sang bên kia đường chôn cột vào phần đất lưu không bên nhà tôi nhưng tôi không đồng ý vì làm mất mỹ quan nhà tôi. Không ai muốn cột điện, dây điện giăng nhằng nhịt khắp nhà mình cả. Tôi muốn hỏi liệu họ có thể nhờ C.ty điện lực hay cơ quan quản lý đô thị chuyển chiếc cột điện đó sang bên phần đất lưu không đó mà không được sự đồng ý của tôi được không? Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định việc đó? Phải có những giấy tờ nào họ mới được quyền chuyển? Ở đây họ hay nhờ thợ điện làm dịch vụ lắm! Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Hiện nay không có quy định pháp luật nào quy định về “Đất lưu không”. Có thể hiểu đơn thuần đất lưu không là hành lang an toàn giao thông, hành lang lưới điện, đê điều... Đó là phần đất có quy hoạch làm đất để phục vụ cho công trình công cộng, giao thông, thủy lợi, điện,.. mà Nhà nước chưa sử dụng đến. Diện tích đất đó người dân có thể tạm thời sử dụng nhưng khi nhà nước thu hồi thì không được đền bù. Đối với phần diện tích này, bạn dù có sử dụng ổn định lâu dài thì cũng không đủ điều kiện để đươc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với trường hợp đất đó không phải là đất đã bị nhà nước thu hồi mà là đất gia đình bạn sử dụng ổn định lâu dài, nếu đáp ứng điều kiện quy định của Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013 thì được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
“Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."
Mặt khác, dù trong trường hợp đất đó bạn có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, thì theo quy định, dự án xây dựng công trình điện là nhằm phục vụ lợi ích của công cộng nên gia đình bạn không thể yêu cầu bên Điện lực di chuyển cột và đường dây điện sang vị trí khác hay yêu cầu bên điện lực đặt cột điện ở vị trí cụ thể nào theo nhu cầu cá nhân của gia đình bạn.
Nếu trong trường hợp phần đất trên là phần đất gia đình bạn sử dụng ổn định, lâu dài, không phải là theo kế hoạch, cột điện phải được đặt trên vị trí đất đó, thì trong trường hợp này,gia đình bạn sẽ được bồi thường theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP:
“Điều 18. Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
1. Nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV theo quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một (01) lần như sau:
a) Nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không;
b) Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không lớn hơn 70% giá trị phần nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt tính trên diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, theo đơn giá xây dựng mới của nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt có tiêu chuẩn tương đương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
c) Trường hợp nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
2. Nhà ở, công trình được xây dựng trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
a) Nếu chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp phải chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo nhằm đáp ứng các điều kiện đó;
b) Trường hợp phá dỡ một phần, phần còn lại vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng và đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư lưới điện cao áp có trách nhiệm: Chi trả, bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại nhà, công trình theo tiêu chuẩn tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ hoặc bồi thường di dời nhà ở công trình theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Trường hợp nhà ở, công trình không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này, mà phải dỡ bỏ hoặc di dời, thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 19. Bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
1. Đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp đến 220 kV thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì chủ sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một lần như sau:
a) Đất ở được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng là loại đất ở được quy định tại các văn bản pháp luật về đất đai;
b) Diện tích đất ở được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng là diện tích đất ở thực tế trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Mức bồi thường, hỗ trợ không lớn hơn 80% mức bồi thường thu hồi đất ở, tính trên diện tích đất nằm trong hành lang;
c) Trên cùng một thửa đất, bao gồm đất ở và các loại đất khác của một chủ sử dụng đất, khi bị hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không chiếm dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường, hỗ trợ. Mức bồi thường, hỗ trợ không lớn hơn 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang;
d) Trường hợp đất ở không đủ điều kiện như quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
2. Đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc hỗ trợ được thực hiện một lần, không lớn hơn 30% mức bồi thường thu hồi đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, tính trên diện tích đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.
3. Mức bồi thường, hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể. Kinh phí chi trả từ nguồn vốn đầu tư của chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp.”
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.