Hành vi gây cản trở, khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất.
25/04/2017 16:37
Thưa luật sư! Gia đình chúng tôi là bà X và chị Y vốn là công nhân giao thông. Năm 1997, chúng tôi được cơ quan cấp cho 2 miếng đất phía sau để xây nhà ở và đến nay đã có sổ đỏ riêng của mỗi gia đình. Chúng tôi có một lối đi chung ra đường của thôn rộng 1,2m dài 30m (lối đi này trước là đất của cơ quan, sau cắt cho chúng tôi làm đường đi), lối đi chung này giáp với phần đất của gia đình anh A nên gia đình anh A đã mở một cửa nách để làm lò mổ trâu bò (phía sau nhà anh, phía trước nhà chúng tôi) gây ô nhiễm môi trường; mặt khác, khách khứa đi lại trên lối của gia đình chúng tôi gây ảnh hưởng giao thông (vì lối đi khá hẹp,rộng 1,2m).
Vì vậy tôi xin hỏi luật sư một số nội dung như sau: 1, Chúng tôi có được yêu cầu gia đình anh A xây bịt cửa nách lại và không được đi lại trên lối đi của chúng tôi được không? (vì gđ anh đã xây nhà, mở cổng chính ngay trên lối đi của thôn, nghĩa là không phải không có đường đi). 2, UBND xã có quyền quản li lối đi chung của hai gia đình chúng tôi được không? UBND xã có quyền để gia đình anh A mở cổng nách và đi lại làm ăn trên lối đi của chúng tôi được ko? 3, Năm 2010, chúng tôi làm đường bê tông, anh A có xin đóng góp tiền, nay vì mâu thuẫn anh đòi lại chúng tôi đã trả tiền và anh lấy một nửa số tiền, còn một nửa ko chịu lấy (để vẫn được đi trên lối của chúng tôi). Như vậy việc đóng tiền có đồng nghĩa với việc anh có quyền sử dụng lối đi ko?
Xin các quý luật giải đáp và trả lời giúp chúng tôi. xin chân thành cảm ơn!
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại khỏan 1 điều 12 Luật đất đai 2013 : Những hành vi bị nghiêm cấm
1, Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, lối đi là do cơ quan cấp cho bà X và chị Y với chiều rộng là 1,2m dài 30m. Hành vi của anh A được xem là một trong những hành vi bị nghiệm cấm. Cụ thể là cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo như trình bày ở trên thì nhà anh A có lối đi khác chứ không chỉ có một lối đi chung cùng với gia đình bà X chị Y . Vì vậy trường hợp của anh A không được áp dụng theo quy định về quyền hạn chế sử dụng bất động sản liền kề theo quy định tại đièu 273 của Bộ luật dân sự 2005 .
"Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác."
Theo đó, bà X và chị Y có thể yêu cầu anh A dừng ngay các giao dịch mua bán, giết mổ trâu bò mà gây ảnh hưởng đến lối đi chung của hai gia đình.
Về thẩm quyền quản lý đất đai . Điều 4 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về cơ quan quản lý đất đai như sau:
1. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương bao gồm:
a) Cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Cơ quan quản lý đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Phòng Tài nguyên và Môi trường.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý đất đai tại địa phương; Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí công chức địa chính xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý đất đai ở địa phương và nhiệm vụ của công chức địa chính xã, phường, thị trấn.
Về việc đóng tiền của anh A để sử dụng lối đi chung. Theo quy định tại khỏan 2 ,3 điều 688 của Bộ luật dân sự 2005 các căn cứ xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp. Các chủ thể có quyền sử dụng đất dựa trên quy định này được pháp luật bảo vệ khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
- Đất đai thuộc hình thức sở hữu nhà nước, do Chính phủ thống nhất quản lý.
- Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.
- Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác cũng được xác lập do được người khác chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.
Như vậy, vấn đề xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp cũng như quyền sử dụng lối đi chung này của anh A bằng việc góp tiền để làm đường là không được công nhận theo quy định của pháp luật. Vì vậy, anh A không được hưởng các quỳên của người sử dụng đất Việc anh góp tiền làm đường để sử dụng lối đi chung phải được sự đồng ý của bà X và chị Y.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!