Giải quyết tranh chấp lối đi chung
19/10/2016 09:53
Ông Toàn và ông Mạnh là hai hộ sử dụng đất cạnh đường đi, đường đi ở giữa hai hộ này rộng 4m.
Hai hộ này đã được cấp bìa đỏ. đất ông Toàn dài 18m, đường đi rộng 4m, đất ông Mạnh dài 38m.
Khi đo đạc thực tế thì đất ông Toàn là 18m, đường đi 2m, đất ông Mạnh dài 40m. Các hộ phía dưới làm đơn đề nghị UBND xã mở rộng con đường này cho đủ 4m như trước đây.
Tôi là cán bộ xã được phân công giải quyết việc này tôi đã mời các đương sự lên giải quyết, tuy nhiên giải quyết không thành, ông Mạnh không phối hợp để giải quyết.
Vậy xin luật sư tư vấn cho tôi cách giải quyết được vấn đề này, nếu ông Mạnh không phối hợp và không trả lại phần đất đã lấn chiếm đường đi là 2m thì Tôi phải làm gì tiếp theo.
Tôi xin cảm ơn! Bình Chính - Lục Nam, Bắc Giang
Về nội dung bạn hỏi chúng tôi trả lời như sau:
Ngõ đi chung theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thuộc trường hợp sở hữu chung của cộng đồng nên việc quản lý định đoạt phải được sự thống nhất của các sở hữu chung, tức là trường hợp này nếu ông Mạnh có nhu cầu sử dụng diện tích đó thì phải được sự thống nhất của tất cả các hộ gia đình trong lối đi đó nếu không thì ông Mạnh không được tự ý sử dụng.
Nội dung nay được quy định tại Điều 220 Bộ luật Dân sự năm 2005:
"1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng.
2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất".
Trường hợp này nếu các sở hữu chung lối đi đó không đồng ý để ông Mạnh được sử dụng thì ông Mạnh phải có nghĩa vụ trả lại phần diện tích đã lấn chiếm đó. Nếu không chấp thuận thì các sở hữu chung có quyền khởi kiện vụ việc tại tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với bạn với tư cách là cán bộ xã được giao nhiệm vụ giải quyết thì bạn cần căn cứ vào hồ sơ tài liệu do các bên cung cấp, tài liệu địa chính mà xã bạn đang lưu giữ cũng như kết quả đo đạc thực tế để sử dụng làm căn cứ tư vấn cho các bên thực hiện việc hòa giải.
Về nguyên tắc khi có tranh chấp đất đai xảy ra thì UBND xã nơi có tranh chấp thực hiện việc hòa giải tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, việc hòa giải phải được lập văn bản. Trường hợp không hòa giải được cũng phải lập biên bản để hoàn tất hồ sơ cho các bên tranh chấp khởi kiện vụ án dân sự theo quy định.
"Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp".
Nếu ông Mạnh không hợp tác giải quyết thì việc hòa giải chắc chắn sẽ không thực hiện được - chắc chắn hòa giải sẽ không thành.
Khi ông Mạnh không hợp tác giải quyết thì bạn vẫn phải tố chức buổi hòa giải với thành phần tham gia có đủ theo quy định của Luật hòa giải cơ sở.Việc ông Mạnh không hợp tác - có thể là không đến tham dự các buổi họp hòa giải là căn cứ để kết luận hòa giải không thành. Bạn chỉ việc lập biên bản hòa giải không thành sau đó hướng dẫn các đồng sở hữu thực hiện việc khởi kiện.
Bên cạnh đó bạn cũng nên chú ý tới việc xử lý hành vi lấn chiếm đất của ông Mạnh theo thủ tục hành chính - nếu lối đi chung đó vẫn thuộc quyền quản lý của địa phương. Việc xử lý hành chính được áp dụng theo Nghị định 102/2014/NĐ- CP của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn, hy vọng có thể giúp bạn trong quá trình giải quyết vụ việc.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.