Giải quyết tranh chấp đất và vấn đề cư trú
27/07/2017 11:17
Giải quyết tranh chấp đất và vấn đề cư trú. Ba em làm con nuôi, Bà A đã "ủy quyền căn nhà cho Ba em để ở", để lại toàn bộ giấy tờ nhà cửa gồm: cuốn sổ xanh nhà cửa, tờ ủy quyền, tờ cam kết cho Ba em (căn nhà cho Ba em ở), rồi dọn đi. Bây giờ, nhà nước kêu gọi cấp sổ hồng, Ba em cũng nộp hết số giấy tờ mà Bà A để lại, mà bên ủy Ban nói phải có tờ giấy chứng tử. Mà Ba em lại không có tờ giấy đó vì không liên lạc với Bà A. Chú em cho là căn nhà trên là ông Nội để lại, đòi bán nhà, phải chia tiền. Ba e không kiếm được giấy chứng tử của bà A, nên Ủy ban phường đã kêu hóa giá căn nhà mà ông chú của em không chịu ra tiền cùng hóa giá căn nhà. Gia đình em dọn qua nhà mới ở, câu hỏi của em là:
1/ Nếu tách hộ khẩu, ông chú ra Ủy ban hóa giá căn nhà ông có thành công hay không?
2/ Gia đình em có nên tách hết hộ khẩu qua nhà mới hay không?
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Bảo Chính. Nội dung câu hỏi của bạn sẽ được chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về quyền sử dụng đất của ba bạn đối với ngôi nhà trên :
Theo quy định tại điểm a, khỏan 1 điều 100 Luật đất đai 2013 quy định :
"Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:..
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;..."
Theo như trình bày của bạn. Ba bạn là con nuôi của bà A, bà A đã để lại các giấy tờ bao gồm: "cuốn sổ xanh nhà cửa, tờ ủy quyền, tờ cam kết cho Ba em(căn nhà cho Ba em ở)" , có thể thấy là bà A đã thừa kế lại ngôi nhà cùng mảnh đất cho ba bạn. Để chứng minh được bà A thừa kế lại ngôi nhà cùng mảnh đất này cho ba bạn. Theo đó, UNND phường yêu cầu ba bạn phải có giấy chứng tử của bà A . Sau nhiều năm liên không liên lạc và không có tin tức xác thực là bà A còn sống, ba bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố bà A đã chết theo quy định tại điều 71 Bộ luật dân sự 2015
“Điều 71. Tuyên bố chết
1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.
2. Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.
3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”
Như vậy, khi có đủ các căn cứ để chứng minh ba bạn được thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, xác lập quyền sở hữu cuả ba bạn đối với ngôi nhà cùng mảnh đất trên thì chú của bạn sẽ không có quyền gì đối với căn nhà.
Thứ hai, vấn đề tách hộ khẩu
Theo quy định tại điều 25, 27 Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013 quy định:
Điều 25. Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình
“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.
Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu.
2. Nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu.
3. Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó”.
Điều 27. Tách sổ hộ khẩu
“1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Như vậy, theo quy định của Luật cư trú, ba bạn có quyền được cấp sổ hộ khẩu cư trú tại ngôi nhà được thừa kế này. Chú của bạn cũng đuợc nhập hộ khẩu khi đã có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình bạn. Ba bạn cũng có quyền tách hộ khẩu riêng cho gia đình bạn và gia đình chú bạn là hai sổ hộ khẩu khác nhau. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, toàn bộ giấy tờ mà bà A để lại là ủy quyền cho ba bạn ở căn nhà này, và nếu ba bạn chứng minh là được thừa kế căn nhà hợp pháp từ bà A thì chú bạn không có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nếu như không có sự đồng ý của ba bạn.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về : “Giải quyết tranh chấp đất và vấn đề cư trú”. Cho bạn nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.