Giải quyết tranh chấp đất đai khi đã bán qua nhiều đời chủ.
24/04/2017 14:35
Vào tháng 4 năm 2009, tôi có sang một miếng đất của ông Lê Văn Vĩnh, diện tích 36 m x 22 m, ngày đo ranh đất cho tôi có ông Nguyễn Văn Thành (chủ đất cũ), ông Lê Văn Vĩnh và có 2 cán bộ ở khu vực cùng đo ranh đất cho tôi. Theo giấy tờ ông Lê Văn Vĩnh bàn giao lại cho tôi trên thực tế thì miếng đất này đã sang qua nhiều người sử dụng. Chủ đất trước đây là ông Nguyễn Văn Thành có nợ tiền của mẹ ông Đặng Văn Nhựt nên ông Thành đưa đất trừ nợ (năm 1992). Sau thời gian canh tác, ông Nhựt bán lại cho ông Trần Văn Sến, ông Sến bán lại cho ông Lê Văn Vĩnh và ông Vĩnh bán lại cho tôi (2009) Sau khi tôi sang lại đất của ông Lê văn Vĩnh, tôi gặp chủ đất cũ trước đây là ông Nguyễn Văn Thành, đề nghị được tách bằng khoán đất.
Năm 2013, gia đình ông Thành liên tục ngăn cản không cho gia đình tôi làm trên mảnh đất này với lí do ông Thành không có bán đất này cho tôi, bằng khoán đất còn là của ông. Tôi có ra chính quyền Thị trấn giải quyết thì được Hội đồng hòa giải kết luận: Việc sang đất của tôi là hợp pháp, yêu cầu ông Thành tách bằng khoán cho tôi nhưng ông Thành vẫn không đồng ý. Cuộc hòa giải không thành. Đến nay, gia đình ông Thành vẫn tiếp tục cản trở tôi canh tác trên mảnh đất ấy và có ý lấy lại đất vì ông Thành vẫn còn sở hữu đất trên bằng khoán. Ông Nhựt đã có đến gặp ông Thành trao đổi nội dung là ông Nhựt không còn sở hữu đất này nữa nhằm mục đích để ông Thành tách bằng khoán cho tôi nhưng ông Thành vẫn không chấp thuận. (Giấy sang bán đất giữa ông Nhựt và ông Thành đã mất, tôi hiện có giữ giấy tay sang bán từ ông Nhựt qua ông Sến, ông Sến qua ông Vĩnh).
Xin phép nhờ quý luật sư tư vấn giúp tôi, tôi cần phải làm thế nào?
Trân trọng cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Theo quy định của Luật đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Theo như bạn trình bày hai bên đã hòa giải nhưng không giải quyết được, mặt khác gia đình ông Thành vẫn tiếp tục cản trở gia đình bạn canh tác trên mảnh đất ấy và có ý lấy lại đất thì bạn có thể căn cứ vào Điều 203 Luật đất đai 2013 quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
* Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
- Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
- Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
* Các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 bao gồm:
- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
- Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
Theo như bạn trình bày, giấy tờ bạn có bao gồm: Giấy tay sang bán từ ông Nhựt qua ông Sến, ông Sến qua ông Vĩnh. Các giấy tờ trên không phải là một trong các giấy tờ thuộc Điều 100 Luật đất đai 2013 tuy nhiên qua các giấy tờ trên chứng minh được bạn nhận chuyển nhượng hợp pháp qua chủ đất hiện tại là ông Vĩnh, ngoài ra ông Nhựt cũng đứng ra nhận là hiện không còn là chủ đất. Do đó nếu hòa giải không thành, bạn làm đơn khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai.
Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:
- Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai
- Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Các giấy tờ về mua bán đất đai qua mỗi người chủ.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.\