Giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ liền kề
27/07/2017 10:18
Giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ liền kề ?Hộ liền kề cạnh gia đình tôi là hộ nhà anh L tháng 4/2016 khi tiến hành xây dựng đã cắt một phần tường riêng của nhà tôi và đổ một phần cột khoét vào bức tường phía cuối nhà tôi khi gia đình tôi đi vắng. Nhà anh L không có giấy phép xây dựng nhà ở.
Tôi đã làm đơn đề nghị giải quyết và được UBND phường Năng Tĩnh tổ chức hòa giải 2 bên gia đình. Biên bản hòa giải ghi nhận: Anh L đã xin lỗi, xin phép tự thỏa thuận và tôi sẽ đồng ý bán lại cho nhà anh L phần tường, đất nhà tôi bị lấn chiếm trái phép. Thời gian gia đình tôi đi vắng, gia đình anh L thi công không xin phép gia đình tôi, đã xâm phạm làm hư hại tài sản nhà tôi. Sau khi tôi phản ánh, gia đình anh L hứa sẽ sửa chữa, khắc phục. Nhưng qua nhiều lần sửa chữa việc khắc phục, hoàn trả nguyên trạng không đảm bảo. Tôi đã yêu cầu gia đình anh L phải sửa chữa đúng với cam kết và hẹn gặp trao đổi nhưng gia đình anh L không gặp. Vậy, tôi có thể khởi kiện gia đình anh L về những hành vi nào? quy định tại Bộ luật dân sự cụ thể ra sao?
Người gửi: Trần Anh Tuấn - Năng Tĩnh, thành phố Nam Định
Với nội dung câu hỏi về: “Giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ liền kề ?” của bạn Trần Anh Tuấn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin mà bạn cung cấp, anh L đã có hành vi lấn chiếm đất, gây thiệt hại đến tài sản trên đất của nhà bạn. Hai bên đã có hòa giải với nhau về vấn đề này tuy nhiên anh L lại không thực hiện đúng theo cam kết trong biên bản hòa giải. Do đó bạn muốn khỏi kiện hành vi của anh L ra tòa án để giải quyết tranh chấp trên.
Lấn đất được hiểu là hành vi của người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất. Trong trường hợp này, anh L đã có hành vi xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở của gia đình bạn.
Tuy nhiên, do bạn và anh này đã thỏa thuận về việc anh L sẽ mua lại diện tích lấn sang này do đó không thể khởi tố theo quy định của pháp luật hình sự đối với hành vi trên của anh L. Tuy nhiên, sau khi đã thỏa thuận xong các vấn đề về đất và các tài sản trên đất của gia đình bạn với anh L tại sự kiện hòa giải về đất đai thì anh L đã không thực hiện đúng cam kết trong biên bản hòa giải.
Trong thời gian gia đình bạn không có nhà, anh L đã để cho nhân công làm nhà thực hiện những hành vi vượt quá thỏa thuận của hai bên làm nứt vỡ tường, mái nhà của gia đình bạn gây hở mái, tràn nước, ngấm nước khi gặp trời mưa,...dẫn đến thiệt hại cho tài sản gia đình bạn. Ngoài ra, anh L cũng trốn tránh những nghĩa vụ đã cam kết trong biên bản hòa giải giữa hai bên: không mua lại diện tích đất lấn sang như đã cam kết, không sửa chữa, khắc phục nhà ở cho bạn theo đúng nguyên trạng, bồi thường phần tường nhà đã làm hỏng,...
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015(BLDS), chủ sở hữu tài sản có đủ ba quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình. Tại Điều 163 BLDS 2015:
"Điều 163. Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
2. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường."
Theo quy định tại Điều 163 BLDS, quyền sở hữu đối với nhà ở của chủ sở hữu được bảo vệ. Theo đó, bạn có các quyền sau theo quy định của BLDS2015:
- Quyền đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 166. Quyền đòi lại tài sản
“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.”
Căn cứ vào quy định này, người có quyền sử dụng đất có quyền yêu cầu người đang chiếm hữu, người sử dụng đất, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với đất đai mà mình có quyền sử dụng hợp pháp phải trả lại diện tích đất đó. Do anh L đã có hành vi lấn chiếm diện tích đất ở của gia đình bạn, cụ thể là xây dựng nhà lấn sang diện tích của gia đình bạn. Cho nên, gia đình bạn có quyền yêu cầu anh này phá dỡ công trình đã xây dựng trên đất của gia đình bạn, hoàn trả nguyên trạng diện tích đất trên theo đúng ranh giới địa chính.
- Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 170. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.”
Theo đó, người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại. Việc thực hiện hành vi xâm lấn diện tích đất của gia đình bạn, gây hư hại tường nhà, mái nhà của gia đình bạn mà không thể sửa chữa, khắc phục, hoàn trả lại nguyên trạng. Do đó, anh L phải bồi thường những thiệt hại đã xảy ra.
Theo quy định tại Điều 164 BLDS 2015:
" Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại."
Như vậy, trong trường hợp này, đã xảy ra tranh chấp về đất đai giữa gia đình bạn và anh L cũng như phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của anh L đối với bạn. Do đó, để được giải quyết vụ việc trên bạn có thể khởi kiện đến Tòa án cấp huyện nơi có đất.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về : “Giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ liền kề ?”. Cho bạn nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.