Gia đình tôi đang tranh chấp đất đai, đã hòa giải nhưng không thành, nay muốn khởi kiện có được không?
26/04/2017 13:52
Kính thưa luật sư!
Năm 1978 gia đình ông Sâm được Nhà nước cấp cho một thửa đất ở đội 7 với diện tích 360m2. Ông Sâm đã xây dựng nhà cửa và ở ổn định. Năm 2002 gia đình ông Sâm, bà Cẩm (vợ ông Sâm) vào tỉnh Gia Lai làm ăn, nhà cửa đất đai để lại cho chị Ngô Thị Thọ là con dâu của ông Sâm, bà Cẩm (nhưng chị Thọ đã ly hôn). Vì thấy chị Ngô Thị Thọ và cháu Lê Hữu Sinh không có nơi ở, nên gia đình tôi vẫn để cho chị Thọ và cháu Sinh ở và trông coi nhà cửa (Sinh là con trai bà Thọ, Sinh gọi ông Sâm, bà Cẩm là ông nội, bà nội). Đến năm 2007 không hiểu bằng cách nào gia đình chị Thọ đã xin cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Lê Hữu Sinh trên thửa đất của gia đình tôi được cấp từ năm 1987.
Nay gia đình tôi đề nghị thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Lê Hữu Sinh và ông Sâm, bà Cẩm thống nhất cho ông Lê Hữu Sinh số diện tích 134,4m2, số diện tích còn lại và căn nhà phải cấp cho ông Lê Hữu Sâm, bà Nguyễn Thị Cẩm đứng tên.Vậy gia đình ông Sâm, bà Cẩm có đơn yêu cầu UBND huyện thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cháu nội là Lê Hưu Sinh. UBND huyện đã giao cho phòng TNMT phối hợp với UBND xã Thọ Diên cùng 02 bên tiến hành hòa giải. Nhưng hòa giải không được với lý do ông Lê Hữu Sinh không có mặt ở địa phương.
Vì vậy UBND huyện đã hướng dẫn ông Sâm, bà Cẩm khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện để được giải quyết theo thẩm quyền (quy định tại Khoản 1, Điều 203, Luật đất đai năm 2013 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất việc hòa giải không thành, thì các bên liên quan gửi đơn ra Tòa án để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền). UBND huyện hướng dẫn như thế đúng hay sai.?
Và xin hỏi Luật sư phương án giải quyết. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Theo quy định của Luật đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
Tuy nhiên, theo như bạn trình bày hai bên đã hòa giải nhưng không giải quyết được, hòa giải không được thì một trong các bên sẽ phải khởi kiện ra tòa án. Theo đó UBND huyện đã hướng dẫn ông Sâm, bà Cẩm khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện để được giải quyết là đúng.
Điều 203 Luật đất đai 2013 quy định cụ thể như sau:
“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”
Như vậy, nếu nếu như các bên đã yêu cầu hòa giải tại Ủy Ban nhân dân xã nhưng không giải quyết được, cụ thể do ông Lê Hữu Sinh không có mặt vì vậy các bên sẽ khởi kiện ra Tòa để được giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.