Dựa vào di chúc có đòi lại được đất không
02/04/2017 14:23
Xin hỏi luật sư:
Ông D là người nước ngòai có quốc tịch việt Nam và quốc tịch Mỹ. Ông Thu và bà Thủy là ông nội của ông D; ông D là con ông Thành và bà Nguyệt đã sinh ra 3 người con là anh em ruột của ông D. Vào năm 1971 ông Thành cha ông D chết, năm 1973 gia đình ông D đi nước ngoài.
Chú tôi tên V là con của ông N, ông N là em ruột của ông Thu là ông nội của ông D, ông N và ông Thu canh tác 57 công đất vào năm 1980 và 1982 ông Thu và bà Thủy là ông bà nội ông D chết; không ai canh tác, nhà nước thu hồi cấp cho ông N vào năm 1991 diện tích 12.000 mét, có QSDĐ đến năm ông N chết, năm 1999 chú tôi tên V thừa kế vì ông V là con út trong gia đình, có các anh em của chú tôi ký cho ông V thừa kế, được UBND huyện cấp QSDD năm 1999, theo diện tích trên, đã cất nhà và trồng cây nhãn lâu năm.
Nay ông D có tờ di chúc của ông Thu đã viết vào năm 1980 cho lại các anh em ông D 8.000 m.
Vậy theo di chúc ông V có phải trả lại đất không?
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng công ty luật Bảo Chính!
Với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn giúp bạn như sau:
Theo Điều 645 Bộ luật Dân sự thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế được quy định như sau:
"Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm (10 năm), kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế."
Như vậy, di chúc viết từ năm 1980 tính đến nay đã quá 10 năm theo quy định về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế do vậy nếu yêu cầu chia thừa kế vào thời điểm này thì cơ quan có thẩm quyền nhà nước sẽ không xem xét, giải quyết.
Ngoài ra, Điều 667 Bộ luật Dân sự quy định:
"Điều 667. Hiệu lực pháp luật của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.
3. Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật."
Từ khi ông Thu và bà Thủy mất đi, Nhà nước đã thu hồi lại phần đất đó và cấp lại cho ông N 12.000m2 vào năm 1991. Đến đây ta có thể hiểu tài sản của ông Thu không còn nữa. Bản di chúc mà ông D công bố là do ông Thu viết vào năm 1980 theo quy định pháp luật trên không còn hiệu lực nữa. Vậy nên Ông V được thừa kế phần đất đó từ ông N sau ngày ông N chết là hoàn toàn hợp pháp. Chú V của bạn không cần phải trả lại đất.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.