Đòi quyền sử dụng đất khi đã được cấp Giấy CNQSD đất
11/10/2016 10:14
Tôi tên: Trần Thanh Thu
Địa chỉ: Hữu Bằng- Thạch Thất- Hà Nội
Hiện nay tôi dang tranh chấp đất với bà Nguyễn Hồng Lam có quốc tịch nước Pháp. Trước đây gia đình tôi ở trên mảnh đất thuộc diện vắng chủ, gia đình đã ở ổn định 60 năm được nhà nước giao cho được gần 50 năm có giấy tờ kèm theo bị một người tên Nguyễn Hồng Lam quốc tịch Pháp đòi đất của gia đình tôi để tặng đất cho ông Trần Văn Quảng khi không có hồ sơ gì về đất, tôi chưa được gặp người này và vẫn cứ sống trên đất này chủ cũ không ở ngày nào từ năm 1954. Chứng cứ duy nhất của bà Nguyễn Hồng Lam là 1 tờ đơn đánh máy và có chữ ký của bên Pháp nơi Nguyễn Hồng Lam ở và chữ ký của phó chủ tịch xã HB ký vào đơn năm 2012. Thực tế thì mảnh đất có xuất xứ là chủ mảnh đất thì chết 40-> 50 năm, rồi chỉ có cô con gái(Trần Thị Uyên) theo chế độ cũ vào Nam năm 1954 và mất tích hơn 50 năm không ai thấy mặt. Trần Văn Quảng nhiều lần dùng vũ lực cướp đất hiện tại đã cưa khóa cồng , khóa nhà vào tháng 5/2015 khi tôi vào trong Nam trông cháu ngoại cho con gái đi làm và Trần Văn Quảng đã dọn đến nhà tôi ở.
-Còn cái quyết định giao toàn bộ mảnh đất của tôi cho Trần Văn Quảng toàn quyền quản lý từ tháng 1/2013 tôi cũng không biết gì? Vì tôi vẫn sống trên đất này từ thời các cụ đến giờ. Tôi hỏi luật sư thì nói đã hết thời hiệu kiện từ lâu. Vậy mà gia đình tôi không nhận được thông báo hay quyết định nào về đất tôi đã bị giao cho Trần Văn Quảng từ năm 2013 và còn đã làm sổ đỏ cho Trần Văn Quảng nữa. Còn bà Nguyễn Hồng Lam này không biết là ai, cũng chẳng về Việt Nam ngày nào 60 năm nay thế mà vẫn tặng đất được.
- Vậy quyết định của UBND xã và huyện không thông báo cho tôi trong suốt từ tháng 1/2013 đến nay về quyết định giao nhà và còn làm sổ đỏ cho Trần Văn Quảng đến nay thì hết thời hiệu khởi kiện đòi đất của gia đình tôi và hiện Trần Văn Quảng cướp nhà của gia đình tôi thì giải quyết thế nào?
-Vậy tôi có thể làm đơn để yêu cầu tòa án giải quyết: Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; về đòi lại tài sản; đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự theo “ Điều 203 Luật đất đai 2013 mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết” .
Thanh Thu - Hữu Bằng- Thạch Thất- Hà Nội
Theo thông tin bà cung cấp thì gia đình bà đã ở ổn định trên đất được 60 năm; nhà nước giao cho được gần 50 năm; có giấy tờ kèm theo bị một người tên Nguyễn Hồng Lam quốc tịch Pháp đòi đất để tặng đất cho Trần Văn Quảng khi không có hồ sơ gì về đất; và chưa được gặp người này; và vẫn cứ sống trên đất này; và chủ cũ không ở ngày nào từ năm 1954. Hiện nay toàn bộ mảnh đất của bà đã được Trần Văn Quảng toàn quyền quản lý từ tháng 1/2013 bà không biết gì? Vì bà vẫn sống trên đất này từ thời các cụ đến giờ và bà muốn đòi lại nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của mình.
Trong trường hợp này, có thể là quan hệ tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất, và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (chúng tôi chỉ gọi là có thể chứ chưa khẳng định được một cách cụ thể bởi các thông tin bà cung cấp là chính xác hoặc không chính xác).
Vì vậy, cứ cho rằng, khi đòi tài sản thì theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005, trước hết tài sản kiện đòi phải thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người đòi. Đối với vụ việc này, nhà cửa, đất đai phải là tài của gia đình nhà bà, các giấy tờ về quyền sử dụng đất cung cấp bà chưa nói rõ nên chúng tôi tạm coi là như vậy. Nên, đòi lại tài sản trong trường hợp này là tranh chấp đất đai bao gồm các dạng tranh chấp như: tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất; tranh chấp liên quan đến giao dịch về đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất.
Khi người có tên ở trên đã tự ý nhận tài sản thực hiện thủ tục đăng ký xin cấp Giấy CNQSD đất tên mình mà không có sự đồng ý của bà; khi đó bà lại vắng mặt ở địa phương; và thấy rõ việc ở trên có những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật thì bà có thể đề đòi lại tài sản của mình theo những điều kiện mà bà đã đặt ra. Việc tự ý nhận tài sản và thực hiện thủ tục xin cấp Giấy CNQSD đất ở đây chúng tôi tạm suy đoán có thể là giao dịch về nhà đất.
Vậy, muốn lấy lại tài sản, bà phải chứng minh được các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất vô hiệu. Theo điều 127 và điều 122 Bộ luật Dân sự 2005 thì các trường hợp giao dịch vô hiệu gồm: Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa; Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo điều 137 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Như vậy, nếu bà chứng minh được giao dịch chuyển quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bà có quyền yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu. Nếu giao dịch vô hiệu, những ngưởi trên phải trả lại tài sản là quyền sử dụng đất đã nhận.
Trên đây là những ý kiến pháp lý cơ bản của chúng tôi về vụ việc của bà bởi thông tin bà gửi cho chúng tôi quá ít và chúng tôi cũng không nắm rõ được các hồ sơ tài liệu của vụ việc này cụ thể như thế nào. Do đó, chúng tôi chỉ tư vấn tạm thời như trên để hy vọng có thể giúp bà tìm ra cách thức để giải quyết vấn đề. Để giải quyết vấn đề ở trên, bà hãy Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).
Trân trọng!