Đòi lại phần đất dành cho lối đi bị lấn chiếm
11/05/2017 16:01
Chào luật sư! Tôi có một vấn đề cần giải đáp như sau:
Trước đây có đường ngõ từ đường qua nhà ông A, ông B vào đến nhà tôi, sau đó tôi và gia đình ông B chuyển nhà sang chỗ khác( cùng thôn), nhà ông A rào lấn hết đường,năm 2009 đoàn đo đạc bản đồ về đo đạc,nên bản đồ bây giờ không thể hiện chỗ đó có lối đi,nhưng trên bìa đỏ cũ (đang chuẩn bị cấp đổi ) có thể hiện lối đi.
Vậy bây giờ tôi có quyền đòi lại lối đi cũ không?
Nhà ông B có phải trả lại lối đi không khi tôi và nhà ông B không quay lại ở chỗ cũ mà chỉ làm màu?
Trình tự thủ tục giải quyết vấn đề này như thế nào?
Xin cảm ơn luật sư!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
1. Về việc giải quyết lối đi chung
Điều 273 Bộ luật Dân sự có quy định về quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề như sau:
"Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác"
Điều 275 Bộ luật Dân sự có quy định quyền về lối đi qua bất động sản liền kề như sau:
"1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù".
Theo đó, nếu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối đi ra thì chủ sở hữu của một trong các bất động sản liền kề phải dành cho chủ sở hữu của bất động sản bị vây bọc một lối đi ra đến đường công cộng. Theo như bạn mô tả thì phần đất nhà bạn nằm ở phía trong cùng, bị chắn bởi hai mảnh đất phía ngoài và không có lối đi ra nào khác. Do đó bạn có quyền yêu cầu ông A và ông B dành cho bạn một lối đi ra đến đường công cộng theo quy định của pháp luật tuy nhiên bạn sẽ phải đền bù cho ông A và ông B nếu các bên không có thỏa thuận nào khác.
Ngoài ra, bạn còn có quyền yêu cầu ông A và ông B cho bạn mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước qua bất động sản liền kề theo quy định của pháp luật . Việc thực hiện những yêu cầu này phải hợp lý, đúng pháp luật và nếu có gây thiệt hại cho ông A và ông B thì gia đình bạn sẽ phải bồi thường.
2. Thủ tục giải quyết
Việc yêu cầu được sử dụng hạn chế bất dộng sản liền kề được thực hiện theo Điều 73 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
"Điều 73: Trình tự, thủ tục đăng ký xác lập hoặc thay đôi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề
1. Khi phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề thì một trong các bên nộp đơn, Giấy chứng nhận (nếu có), hợp đồng hoặc bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cho văn phòng đăng ký đất đai.
2. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên Giấy chứng nhận nếu có yêu cầu".
Vậy để được sử dụng hạn chế bất động sản liền kề một cách hợp pháp thì bạn phải tiến hành đăng ký sử dụng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong vòng không quá 10 ngày thì viejc đăng ký quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề của bạn sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sau khi đăng ký xác lập sử dụng hạn chế bất động sản liền kề thì bạn phải tiến hành làm thủ tụng đăng ký biến động đất đai theo quy định tại Khoản 8 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT:
"Điều 9. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất
8. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề sau khi được cấp Giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp của một bên hoặc các bên liên quan;
c) Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
d) Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế".
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.