Đòi lại đất khi bị lấn chiếm
19/12/2016 17:27
Em mua đất đã có giấy tờ . Trong khi đó bản đồ địa chính em xin trích lục thửa đất kế bên chỉ là 800m2, nhưng thực tế họ đang sử dụng 1000m2
Ngoài ra gia đình đó rất hung hăng, vì họ cho rằng phần đất đó trước đây là của gia đình họ. Vì lúc chiến tranh họ bỏ đất đi nơi khác nên sau này có người khác canh tác và được cấp giấy, sau đó bán lại cho em.
Ngoài ra, nhà em nghĩ tình nên cho họ đặt ống thoát nước, nhưng một hai họ đòi đường thoát nước chứ không chịu đặt ống. Họ hết lần này đến lần khác tìm cách lấn ranh đất của em, khi có chính quyền địa phương, họ tự ý chỉ ranh đất mà họ đã lấn chiếm khoảng 14m chiều ngang
Ngoài ra họ còn xúi dục các hộ bên cạnh đòi đường thoát nước giống như vậy, làm thửa đất của em chia năm xẻ bảy
Em phải làm sao đây??? (khanhlinh06011984@...)
Theo thông tin bạn cung cấp, có gia đình chiếm dụng phần diện tích thuộc diện tích đất trên giất tờ đăng kí quyền sử dụng đất của gia đình bạn. Lúc này quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn đã bị xâm phạm theo đó bạn có quyền yêu cầu bên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính cũng đồng thời với yêu cầu dừng tháo dỡ công trình hoặc tiến hành yêu cầu bên đó tháo dỡ công trình xây dựng trái luật.
Để tiến hành hoạt động là đòi lại diện tích đất đó thì theo quy định các bên phải tiến hành hòa giải theo đúng quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013:
“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Như vậy, để đòi lại đất bạn sẽ gửi đơn yêu cầu lên Ủy ban nhân dân xã để cơ quan này tiến hành hòa giải.
Trong trường hợp mà hòa giải không thành thì lúc này bạn có quyền gửi đơn lên Tòa án để yêu cầu giải quyết vấn đề giúp bạn theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 203 Luật đất đai 2013 : “Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Trên đây là ý kiến tư vấn của tôi. Nếu bạn có vấn đề gì thắc mắc hoặc chưa hiểu thì bạn hãy Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.