Điều kiện và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tranh chấp quyền sử dụng đất lâu dài thì phải làm thế nào?
25/04/2017 14:01
Bên thứ nhất: A – B – C (Theo thứ tự: cha- con- cháu) Bên thứ hai: X – Y ( Cha – con ) Ngày xưa ông X làm cho ông A, ông X gian lận trong buôn bán làm ông A phá sản. Ông A bỏ đi nơi khác và có phân chia đất đai cho các con trong đó có ông B. Do thấy tội nghiệp ông X vì không có chỗ để ở nên các con của ông A có cho ông X ở nhờ. Khi ông X chết con ông X( tức Y) vẫn tiếp tục ở đó cho đến bây giờ. Về phần ông A sau khi chết đã phân chia cho các con của mình mỗi người một phần là ông B và an hem của ông B. Phần đất mà ông B được hưởng, mỗi năm đều do ông B đóng thuế. Sau đó ông B mất, ông B đã chia lại phần mình được hưởng cho các con trai ( trong đó có C ), nhưng C vẫn chưa làm được giấy tờ vì ông Y ngăn cản. Ông Y thường xuyên dùng những lời lẽ thô tục chữi vợ ông B ( bà M) và gia đình người con đang ở với bà M, trưởng ấp nhiều lần mời ông Y đến xin lỗi bà M và hứa sẽ không nói như vậy nữa, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Chẳng những thế ông Y con trồng cây và cố tình mở rộng thêm phần đất mà trước kia mà ông A cho ông X ở nhờ. Hiện nay ông C muốn làm giấy tờ hợp pháp phần đất của mình nhưng bị ông Y ngăn cản không cho ông C đo đạc và làm giấy tờ. Bây giờ, ông C hẹn gặp ông Y và có cả trưởng ấp ở đấy, ông C nói sẽ cho ông Y phần đất ông Y ở và con mương ngang bên hông nhà. Nhưng ông Y không đồng ý vẫn còn muốn đòi thêm nên vẫn chưa có bất kì thỏa thuận nào xảy ra.
Hỏi: Ông C phải làm gì để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình và có thể tiến hành khởi kiện để đòi lại phần đất mà ông Y đang ở hay không?
Trân trọng cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
1.Ông C phải làm gì để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình.
Trước hết anh C muốn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì anh C phải thuộc các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyến sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 99 Luật đất đai 2013. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
"a) Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật đất đai 2013.
b) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
c) Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;
d) Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;”
Như vậy, có thể thấy anh C được bố của mình để lại cho mảnh đất, nghĩa là anh được thừa kế di sản bố mình để lại, do đó anh đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Điều luật trên.
Khi đã đủ điều kiện rồi thì anh C có quyền yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bạn cần thực hiện theo thủ tục sau đây:
Căn cứ Điều 70 Luật đất đai 2013; Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính. Bạn cần phải chuẩn bị:
- Một bộ hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Mẫu số 04/ĐK).
+ Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất.
+ Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Đất đai (đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).
+ Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
+ Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
+ Tờ khai lệ phí trước bạ (Mẫu số 01/LPTB).
+ Tờ khai tiền sử dụng đất (Mẫu số 01/TSDĐ).
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ
- Thời gian thực hiện: Không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính và thời gian niêm yết công khai của UBND cấp xã (15 ngày).
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Phòng Tài nguyên và môi trường của UBND cấp huyện.
- Phí, lệ phí:
+ Trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất: 25.000đồng/giấy.
+ Trường hợp có tài sản gắn liền với đất: 100.000đồng/giấy
Về việc ông C có thể tiến hành khởi kiện để đòi lại phần đất mà ông Y đang ở hay không thì theo quy định tại 255 Bộ luật dân sự 2005 quy định “ Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo quy định tại điều luật này thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, bằng nhiều cách thức, có quyền yêu cầu người đang nắm giữ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó trong trường hợp người đó đang thực tế chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật. Do đó, ông C hoàn toàn có quyền khởi kiện để đòi lại phần đất mà ông Y đang ở.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.