Điều kiện tách thửa đất ở Nghệ An
11/05/2017 17:22
Xin chào luật sư. Luật sư cho em hỏi, bố em có một mảnh đất 1000m2, có sổ đỏ tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Tên sổ đỏ ghi: 200m2 đất ở, 800 m2 đất vườn, thời hạn sử dụng: ổn định (cùng một thửa đất). Bây giờ bố em muốn tách thành 5 phần, mỗi phần 200m2 chia cho con cái. Vậy em xin hỏi luật sư, có thể tách mảnh đất đó thành 5 phần không ạ? Thủ tục tách thế nào ạ? Nếu tách sẽ có phần sẽ chỉ có đất vườn, vậy có làm nhà ở được không ạ? Vì tách ra để các con xây nhà. Nếu chuyển đất vườn thành đất ở thì 200m2 mất bao nhiêu tiền phí ạ (tính năm 2016)?
Em cảm ơn luật sư!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về việc tách thửa:
Theo Điều 3 Quyết định 49/2014/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An quy định như sau:
“Điều 3 .Thửa đất ở được hình thành sau tách thửa ,nhập thửa được chứng nhận quyền sử dụng đất.
1. Thửa đất ở được hình thành sau khi tách thửa, nhập thửa phải có diện tích tối thiểu theo quy định sau đây và phù hợp với quy hoạch, phải có kích thước (chiều rộng, chiều dài) đủ điều kiện xây dựng nhà ở theo quy định của Bộ xây dựng thì được cấp giấy chứng nhận. Cụ thể:
a) Tại địa bàn thành phố Vinh, các thị xã, thị trấn và các xã ven biển là 50 m2;
b) Các địa bàn còn lại là 80 m2.
2. Thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nhưng được hình thành trước ngày 29/12/2007 (ngày Quyết định số 146/2007/QĐ-UBND ngày 19/12/2007 của UBND tỉnh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất vườn, ao trong cùng thửa đất với đất ở có hiệu lực thi hành) thì được cấp giấy chứng nhận theo Quy định này.
Trường hợp khi tách thửa, nhập thửa sau ngày 29/12/2007 không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (trừ các trường hợp: Người được sử dụng đất theo Bản án hoặc Quyết định của Toà án, Quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành; người được sử dụng đất do thừa kế theo quy định pháp luật).”
Căn cứ vào quy định này thì việc để được cấp giấy chứng nhận đất với thửa đất được hình thành sau khi tách thửa, nhập thửa phải có diện tích tối thiểu tại địa bàn thành phố Vinh các thị xã ,thị trấn và các xã ven biển là 50m2 còn đối với các địa bàn còn lại diện tích tối thiểu là 80m2. Như vậy mảnh đất của bố bạn ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An có nghĩa là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản1 điều này, diện tích mỗi thửa đất bố bạn muốn tách là 200m2 nên bố bạn có đủ điều kiện để tách ra làm 5 phần cho các con người mỗi ngừời 200m2 theo quy định này.
Theo quy định tại Điều 75 về trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất tại Nghị định số 43/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013 thì:
“1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã."
Thứ hai, về việc xây nhà sau khi tách thửa đổi với đất vườn:
Nếu bạn muốn xây dựng nhà trên miếng đất mà bạn có quyền sử dụng đất thì bạn phải làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đích từ đất vườn sang đất ở.
Theo Điều 52 và khoản 2 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, căn cứ để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn chuyển mục đích sử dụng đất.
Khi chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.
Thứ ba, về việc chuyển mục đích sử dụng đất:
Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP như sau:
- Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.
- Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính. Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Thứ tư, thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất:
Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, tại điểm a khoản 2 Điều 5 quy định việc thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân như sau:
Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại khoản 6, Điều 103 Luật Đất đai (phần diện tích đất vườn, ao còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở) sang làm đất ở; chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 1/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.