Đất và tài sản gắn liền với đất có được bồi thường hay không ?
12/05/2017 12:00
Thưa Luật sư, kính mong các Luật sư tư vấn, hỗ trợ giúp gia đình, em xin trình bày tóm tắt như sau: Khi quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) được thực hiện theo Quyết định số 105/QĐ-TTg (năm 1999). Năm 2001, nhà em được đền bù 10.000m2 đất nông nghiệp để làm công viên thành phố Mặt trời (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài), phần đất còn lại là 688m2 đất nông nghiệp. Năm 2002-2004, nhà em tiếp tục canh tác lúa và cây lâu năm trên 688m2 đất còn lại. Tuy nhiên, do đất nằm trong quy hoạch nên không thể canh tác và xây dựng nhà ở. Nên từ năm 2004 đến nay (2016), gia đình không trồng lúa, nhưng các cây lâu năm: bạch đăng, tràm vàng... vẫn còn trên đất. Trong thời gian này, Năm 2004, có gia đình xin ở nhờ trên phần đất này, tuy nhiên gia đình không cho ở. Năm 2009, có quyết định điều chỉnh Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg và gia đình em phát hiện gia đình kia đã xây nhà cấp 4 trên đất. Năm 2013, tiến hành xác minh đền bù, nhưng gia đình không được mời để tham gia thống kê, kiểm kê tài sản trên đất, xác định hiện trạng đất Năm 2015. UBND huyện ra quyết định thu hồi 288m2 đất (trong tổng số 688m2) để làm đường. Trong đó, chỉ bồi thường 288m2 đất, mà không có các chính sách hỗ trợ; bồi thường hoa màu, vật kiến trúc cho gia đình em nhưng lại bồi thường nhà cửa, kiến trúc, hoa màu cho gia đình ở đậu trên đất. Lý do: gia đình không trực tiếp sản xuất; gia đình là cán bộ công chức. Em có câu hỏi, xin các Luật sư giúp để gia đình có được quyền lợi chính đáng:
1. Ngoài bồi thường về đất, gia đình em có được bồi thường về cây lâu năm và chính sách hỗ trợ khác hay không?
2. Việc UBND huyện ra quyết định bồi thường về nhà cửa, vật kiến trúc: hoa màu, cây trái cho gia đình kia (không được sự đồng ý của gia đình em) có đúng luật quy định?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
1. Ngoài bồi thường về đất, gia đình bạn có được bồi thường về cây lâu năm và chính sách hỗ trợ khác vì:
Đối với các cây lâu năm (bạch đằng, tràm vàng...) đang được trồng trên diện tích đất, việc bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1, điều 90 Luật Đất đai
“Điều 90. Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:
b) Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;
c) Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.”.
Chính sách hỗ trợ khác:
* Thứ nhất, về ổn định đời sống xã hội:
Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên gia đình bạn có thể được nhận khoản hỗ trợ ổn định đời sống nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
“1. Đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất gồm các trường hợp sau:
a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp khi thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và bổ sung việc giao đất làm muối cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài; giao đất lâm nghiệp khi thực hiện Nghị định số 02/CP ngày 15 tháng 01 năm 1994 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
b) Nhân khẩu nông nghiệp trong hộ gia đình quy định tại Điểm a Khoản này nhưng phát sinh sau thời điểm giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình đó;
c) Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản này nhưng chưa được giao đất nông nghiệp và đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, khai hoang theo quy định của pháp luật, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó;
d) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm tường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi mà thuốc đối tượng là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;
đ) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất.
2. Điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại các Điều 100, 101 và 102 của Luật Đất đai, trừ trườnghợp quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông trường, lâm trường quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này thì phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất.
3. Việc hỗ trợ ổn định đời sống cho các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định sau:
a) ...[...] Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng;...
c) Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.”
Như vậy, trong trường hợp gia đình bạn đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 19 nêu trên thì khi thu hồi đất nông nghiệp gia đình bạn sẽ được hỗ trợ theo Khoản 3 Điều 19 của Nghị định 47/2014.
• Thứ hai, về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề:
Theo quy định Điều 20 Nghị định 47/2014 về hỗ trợ đào tạo, chuyển đồi nghề như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định này (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định sau đây:
a) Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương;
b) Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương...”.
Như vậy, khi gia đình bạn trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định Nghị định 47/2014 nêu trên khi nhà nước thu hồi đất mà không có đất để đền bù thì gia đình bạn sẽ được bồi thường bằng tiền đồng thời được hỗ trợ chi phí liên quan, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi thu hồi toàn bộ đất ở và đất nông nghiệp.
2. Việc UBND huyện ra quyết định bồi thường về nhà cửa, vật kiến trúc: hoa màu, cây trái cho gia đình kia (không được sự đồng ý của gia đình em) đúng với quy định của pháp luật:
Khoản 1 điều 88 Luật đất đai 2013 quy định: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường”.
Cụ thể, bạn hỏi với trường hợp bồi thường do thu hồi đất đối với nhà trên đất. Luật đất đai 2013 có quy định cụ thể sau:
Điều 89. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.
Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.
Như vậy, với cả hai trường hợp nhà được xây dựng năm 2004 thì việc xác định tính hợp pháp của ngôi nhà sẽ dựa trên tính hợp pháp của quyền sử dụng đất. Nếu bạn là chủ sử dụng đất hợp pháp, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi nhà nước thu hồi đất sẽ bồi thường về đất và tài sản trên đất cho bạn. Tài sản trên đất này bao gồm ngôi nhà được xây dựng.
Tại Điều 75 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện bồi thường về đất như sau:
"1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; ....".
Trường hợp này của bạn là không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó, chỉ được bồi thường về đất và tài sản trên đất nếu đất thuộc trường hợp đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật đất đai 2013.
Như vậy, tài sản hợp pháp ở đây có thể được hiểu là tài sản được hình thành trên diện tích đất ở hợp pháp, tài sản hình thành trước khi có thông báo về thu hồi đất, được hình thành không vi phạm quy định của pháp luật (lấn chiếm...). Với nhà ở xây dựng trên đất sẽ được xem xét bồi thường nếu chủ sở hữu nhà là người có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với phần đất được xét bồi thường và ngôi nhà được xây dựng tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.