Đất đai có mồ mả giải quyết thế nào khi có tranh chấp ?
29/03/2017 09:16Chào luật sư công ty luật Bảo Chính. Em có vấn đề sau cần luật sư giải đáp ạ: Trên mảnh đất gia đình em có 1 ngôi mộ của gia đình nhà ông H ( người cùng xã). Sau khi gia đình em xây tường bao quanh mảnh đất thì ông H yêu cầu gia đình em cắt phần đất ngôi mộ đó cho gia đình họ. Gia đình em không đồng ý và ông H đã gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện khiếu nại gia đình em cản trở việc thăm nom mộ và yêu cầu UBND huyện cắt phần đất ngôi mô đó cho gia đình ông H.Trong sổ đỏ gia đình em thì không thể hiện có ngôi mộ đó, trước đây ngồi mộ nằm cách mặt đường khoảng 2m, sau khi làm đường thì ngôi mộ đó nằm gần sát mặt đường (cách khoảng 50cm). Trước đó khoảng năm 2007 gia đình ông hợp có xây dựng ngôi mộ lên bằng gạch ( trước đó mộ đất), gia đình em không đồng ý và có ngăn cản việc xây dựng, nhưng do gia đình em đi vắng, ông H đã cho người xây xong ngôi mộ đó. Sau đó gia đình ông H có vào nói chuyện với gia đình em, có đặt vấn đề nếu gia đình không đồng ý thì để dỡ đi, do vấn đề tâm linh, không muốn đụng chạm đến mồ mả nên nhà em bảo thôi, đã trót xây rồi thì thôi, nhưng không được xây thêm nữa ( mới xây phần thô, chưa ốp đá gạch, quét vôi gì). Gia đình em vẫn đồng ý cho ông H vào thăm nom mộ, không gây cản trở gì. Em muốn hỏi là gia đình ông H khiếu nại như vậy có đúng không ? Gia đình ông H có được cấp phần đất của ngôi mộ đấy không ? Mong được luật sư tư vấn ạ ! Xin cảm ơn !
Về nội dung bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung câp thì ngôi mộ đó nằm trên mảnh đất nhà bạn nhưng không nói rõ là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không nên có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1 : Gia đình bạn không có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất ở phần đất có phần đất mộ đó thì việc ông H khiếu nại gia đình bạn là đúng. Trong trường hợp gia đình ông H có đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật đất đai thì ông H sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về phàn đất mộ đó theo quy định.
Trường hợp 2 : Gia đình bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm cả phần đất mộ đó.
Căn cứ vào Điều 166 Luật đất đai 2013 thì gia đình bạn có các quyền sau:
- Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
- Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
- Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
- Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Như vậy, bạn có quyền yêu cầu gia đình ông H dừng hành vi tu sửa, xây dựng. Nếu gia đình bạn và gia đình ông H không thể tự hòa giải thì gia đình bạn có thể gửi đơn lên Ủy ban nhân dân xã nơi có tranh chấp đất để hòa giải theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật đất đai.Việc được cấp đất chỉ đặt ra khi gia đình ông H có đầy đủ căn cứ chứng minh đất thuộc sở hữu của gia đình ông.
Ví dụ gia đình ông H không có giấy tờ gì về quyền sử dụng đất nhưng có đủ điều kiện thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
Căn cứ theo Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP NGhị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy đinh như sau:
“Điều 20. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (công nhận quyền sử dụng đất) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai, Điều 18 của Nghị định này và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 101 của Luật Đất đai, Điều 23 của Nghị định này được thực hiện theo quy định như sau:
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất; việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là quy hoạch) hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức công nhận đất ở quy định tại Khoản 4 Điều 103 của Luật Đất đai (sau đây gọi là hạn mức công nhận đất ở) thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở.
Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;”
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về, luật thuế và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Nếu còn vướng mắc hoặc cần giúp đỡ, bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn, hỗ trợ.
Trân trọng!