Đất bị hàng xóm lấn chiếm đã hòa giải nhưng không thực hiện
07/04/2017 10:00
Hai bên không đạt được thỏa thuận nên em đã làm đơn ra phường nhờ địa phương giải quyết. Ngày 8/9/2016 vừa rồi địa phương vào đo đạc và tiến hành hòa giải. Phương án đưa ra cuối cùng là phần diện tích hàng xóm lấn được đổi bằng phần diện tích tương đương (đất nhà em bị thừa chỗ họ lấn và thụt chỗ họ trả sau này do thửa đất thò thụt không bằng từ trước). Sau khi đo đạc đất là em là một đường thẳng kéo từ góc bếp cũ nhà em ra đến ngoài đường, cách tường nhà hàng xóm 13cm. Hai bên đã đồng ý và kí vào biên bản hòa giải trước sự chứng kiến của ban hòa giải địa phương và biên bản được lập thành 3 bản có giá trị như nhau. Hôm nay ngày 11/9 bên nhà hàng xóm sang gây chuyện chửi bới và kêu nhà em cướp đất nhà họ và yêu cầu nhà em lùi lại thêm 20cm nữa, trong khi móng nhà em đã đào và đang tiến hành đan sắt thi công. Ông trưởng ban hòa giải có đến và khuyên nhà em nhịn và đáp ứng yêu sách của nhà hàng xóm để mọi việc được thuận lợi tránh kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ. Em muốn hỏi các luật sư một số vấn đề ạ:
1/Việc làm của nhà hàng xóm đã vi phạm cam kết trong biên bản thỏa thuận thì gia đình em phải làm sao để đảm bảo quyền lợi ạ ?
2/ Việc làm của ông trưởng ban hòa giải có đúng không ạ ?
3/ Biên bản thỏa thuận đã ký nhưng hàng xóm nhà em vẫn có thể kiện lên trên yêu cầu hủy không ạ?
4/ Việc tranh cãi gây khó khăn trong khi thi công của nhà hàng xóm với nhà em thiệt hại sẽ do ai chịu trách nhiệm ạ?
5/ Trong ban thiết kế nhà em có lấn không gian tầng 2 ra phía đường để làm phòng ở có vi phạm quy định gì về xây dựng nhà ở không a ? Nếu có thì quy định của nhà nước về vấn đề này thế nào ạ?
6/ Nếu xảy ra tranh chấp, cãi vã em phải đến cơ quan nào nhờ can thiệp giải quyết ạ? Trân trọng!
Kính thưa Quý khách hàng, Công ty TNHH Luật Bảo Chính đã nhận được yêu cầu của Quý khách. Vấn đề của Quý khách chúng tôi tư vấn giải đáp như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 261 BLDS, người có quyền sử dụng đất cũng được áp dụng chế độ bảo vệ quyền sở hữu như đối với các tài sản khác. Theo quy định tại Điều 255 BLDS:
"Điều 255. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật."
Như vậy, nếu người hàng xóm này tiếp tục vi phạm cam kết trong biên bản thỏa thuận, cản trở việc sử dụng đất của gia đình bạn thì gia đình bạn có quyền yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất của gia đình bạn chấm dứt hành vi trên. Mặt khác, gia đình bạn cũng có thể tự bảo vệ quyền sử dụng đất của gia đình mình bằng các biện pháp khác được pháp luật cho phép.
Thứ hai, về việc làm của ông trưởng ban hòa giải. Ở đây, trưởng ban hào giải chỉ có vai trò như một trung gian truyền đạt ý tưởng của hai bên và hiusp các bên đạt được thỏa thuận mà không có thẩm quyền trong việc quyết định ai đúng, ai sai hay ai sẽ được hưởng lợi. Do đó, lời tư vấn của ông không do pháp luật điều chỉnh. Quyền tự quyết vẫn thuộc về hai bên tranh chấp.
Thứ ba, các bên vẫn có quyền yêu cầu hủy biên bản hòa giải nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và các nguyên tắc cơ bản của hòa giải tại địa phương.
Thứ tư, theo quy định tại Điều 260 BLDS:
"Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại." Do đó, nếu vấn đề tranh chấp này gây thiệt hại trên thực tế thì gia đình bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại từ phía bên kia.
Thứ năm, theo quy định tại khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng 2014, hành vi sau đây bị cấm trong xây dựng công trình:
"Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung".
Theo như thông tin mà bạn cung cấp, việc gia đình bạn lấn không gian tầng 2 ra phía đường đi là hành vi lấn chiếm không gian của khu vực sử dụng chung, vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở.
Thứ sáu, pháp luật đất đai hiện nay chỉ quy định việc giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án mà do hòa giải không thành (Điều 203 Luật Đất đai 2013) chứ không quy định về vấn đề hòa giải thành nhưng không thực hiện. Do đó, nếu hai bên tiếp tục tranh chấp đất đai thì việc gải quyết tranh chấp sẽ được giải quyết như đối với trường hợp hòa giải không thành. Do đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên sẽ được giải quyết tại Tòa án theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.