Có được sửa chữa hoặc xây nhà trên đất đang tranh chấp hay không?
24/04/2017 21:07
Đất thừa kế đang trong diện tranh chấp có được phép cơi nới nhà cửa hay không? Thửa đất này hiện có hồ sơ kỹ thuật mang tên bố tôi nhưng chưa có bìa đỏ, được bố tôi (đã mất) lập di chúc để lại cho tôi và anh trai tôi, nay đất đang còn tranh chấp chưa được giải quyết. Hiện anh trai tôi đang tự ý cơi nới nhà cửa trên thửa đất đó.
Mong luật sư giải đáp giúp tôi!
Trân trọng cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Theo trình bày của bạn thì thửa đất này đang có tranh chấp, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 về việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp như sau:
“Điều 110. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp
Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.”
Theo quy định trên,việc anh trai bạn có hành vi cơi nới nhà của trên thửa đất đang tranh chấp được xem là hành vi thay đổi hiện trạng của tài sản đang tranh chấp, do đó, hành vi này là không đúng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, khi bạn nhận thấy anh trai bạn đang có hành vi cơi nới nhà cửa là thay đổi hiện trạng tài sản của tòa án, bạn có thể yêu cầu tòa án sử dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự mà cụ thể là biện pháp "Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp".
“Điều 102. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
5. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.
6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.
7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.
10. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.
11. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.
12. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.
13. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định.’
Như vậy trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai mà tòa án có căn cứ cho thấy anh trai của bạn có hành vi cơi nới nhà cửa làm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp thì tòa án sẽ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn hành vi này tiếp tục xảy ra khi bạn có yêu cầu.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.