Có được chuyển nhượng đất của cơ sở tôn giáo không?
08/05/2017 14:26
Năm 2013 do Ngôi Chùa ở gần nhà tôi (đạo Phật) bị xuống cấp nghiêm trọng cần phải xây dựng lại đầu năm 2014 nhà chùa tiến hành khởi công xây dựng lại chùa. Trong quá trình xây dựng do thiếu kinh phí, nên nhà chùa gồm Thầy trụ trì, phật tử và Ban hộ tự chùa tiến hành họp bàn và đi đến thống nhất chuyển nhượng một phần đất của nhà chùa (đất trồng cây lâu năm, nguồn gốc sử dụng đất: Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (CN - KTT), do UBND tỉnh cấp năm 2006, thửa đất nằm tách biệt với khuôn viên chùa) để lấy kinh phí tiếp tục xây dựng chùa.
Tháng 3/2014 Nhà chùa chuyển nhượng thửa đất trên cho Ba mẹ tôi, do nhà chùa cần tiền gấp nên gia đình tôi đã nộp đủ tiền cho phía nhà chùa, nhưng chưa làm thủ tục chuyển nhượng. Đến tháng 8/2014 chùa xây dựng xong, phía nhà chùa tiến hành làm thủ tục chuyển nhượng đất cho gia đình tôi, nhưng phía sở tài nguyên môi trường trả lời là theo Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014 qui định đất tôn giáo không được chuyển nhượng. Sau đó gia đình tôi có đến gặp phía nhà chùa để trao đổi và xin lại số tiền đã nộp cho chùa nhưng phía nhà chùa gặp khó khăn về tài chính, do tiền đã xây dựng chùa hết rồi, và hứa từ từ sẽ gửi lại nhưng nay đã hơn 2 năm rồi mà chưa có gửi gì hết, chùa ở dưới quê phật tử nghèo nên vận động đóng góp với số tiền lớn thật là vô cùng rất khó khăn.
Phía nhà chùa nói với gia đình tôi, thôi bây giờ làm giấy hợp đồng mua bán (giấy tay) phía đại diện nhà chùa sẽ kí tên và nhờ một số phật tử kí làm chứng là đã sang nhượng cho gia đình tôi ( sổ đỏ thì chùa vẫn giữ và đứng tên, vì không sang tên được) và gia đình tôi cứ an tâm sử dụng canh tác trên thửa đất đó, nhà chùa không bao giờ lật lọng lấy, đòi lại đâu, chờ khi nào nhà nước có quy định mới cho chuyển nhượng thì lúc đó tiến hành theo thủ tục pháp luật quy định (chuyện xảy ra như thế này không phải do ý muốn của nhà chùa). Tôi cũng xin nói rõ là thửa đất này theo gia đình tôi biết là nhà chùa đã sử dụng ổn định từ lâu và không có ai tranh chấp về thửa đất này cả. Luật sư cho tôi hỏi:
1. Tôi nghe nói là đất tôn giáo nếu làm thủ tục sang nhượng trước 1/7/2014 là được, do Luật đất đai 2003 còn hiệu lực và cho phép? Hiện nay có văn bản mới nào hướng dẫn về đất tôn giáo không? Theo Luật sư thì gia đình tôi bây giờ cần phải làm gì? Nếu khởi kiện ra tòa thì gia đình tôi không thể làm được, vì gia đình tôi cũng là tín đồ của đạo phật, và nếu có khởi kiện thì chùa cũng không có tiền đâu mà hoàn lại (Nếu như gia đình tôi có tiền nhiều thì chắc sẽ cúng phần tiền đó cho xây dựng chùa luôn, nhưng tiền đó là đi vay từ ngân hàng)
2. Nhà chùa đề nghị làm giấy tay như nêu ở trên thì theo Luật sư có nên chấp nhận không? Nếu chấp nhận, thì bản hợp đồng sang nhượng (tay) đó cần có nội dung gì, soạn như thế nào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình tôi sau này nếu phía nhà chùa không thực hiện theo lời đã hứa và đại diện phía nhà chùa cần có những ai đủ thẩm quyền để đứng tên trong bản hợp đồng sang nhượng này?
Trân trọng cảm ơn!
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về vấn đề của bạn thắc mắc Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Khoản 4 Điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất là cơ sở tôn giáo gồm “Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tố chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo”
Điều 159 Luật đất đai 2013 quy định đất cơ sở tôn giáo như sau: Đất cơ sở tôn giáo gồm “đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo”; thuộc loại đất sử dụng ổn định lâu dài (tại Khoản 7 Điều 125 Luật đất đai 2013) và cơ sở tôn giáo nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất (tại điểm g, khoản 1, Điều 169, Luật Đất đai 2013).
Trường hợp này, phía nhà chùa tại địa phương bạn đã sử dụng ổn định trước đó, được cấp giấy chứng nhận, vì vậy, được xác nhận là đất cơ sở tôn giáo.
Căn cứ Điều 181 Luật Đất đai 2013 quy định quyền và nghĩa vụ của cơ sở tô giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất như sau:
"1. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.
2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.”
Mặt khác, Điều 117 Luật đất đai 2003 quy định quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất như sau:
"1. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật này.
2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất."
Như vậy, theo quy định của Luật đất đai 2003, Luật đất đai 2013 đất của cơ sở tôn giáo không được chuyển nhượng dưới mọi hình thức. Vì vậy, hợp đồng trước đó của gia đình bạn với chùa tại địa phương về việc mua bán quyền sử dụng đất là trái với quy định của pháp luật.
Nếu bây giờ gia đình bạn tiếp tục ký hợp đồng mua bán ( bằng giấy tay) phía đại diện nhà chùa sẽ kí tên và nhờ một số phật tử kí làm chứng là đã sang nhượng cho gia đình bạn thì giấy tờ này không có giá trị pháp lý.
Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi cho gia đình bạn, gia đình bạn nên làm đơn khởi kiện phía nhà chùa ra Tòa án nhân dân yêu cầu nhà chùa trả tiền trong một thời hạn nhất định.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được tư vấn tiếp.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.