Chia di sản khi người thừa kế đang ở nước ngoài ?
22/07/2017 11:11
Chia di sản khi người thừa kế đang ở nước ngoài ? Cha mẹ tôi khi mất có để lại một mảnh đất tại tỉnh Phú Yên. Tôi đang ở thành phố Hồ Chí Minh và 3 người anh chị tôi thì ở Mỹ. Khi tôi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan yêu cầu tôi phải bổ sung biên bản họp gia đình. Vậy các anh chị tôi ở Mỹ phải làm thủ tục gì để cho tôi làm thủ tục cấp giấy giấy chứng nhận?
Gửi bởi: Nguyễn Kim Thanh
Công ty Luật Bảo Chính, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả lời nội dung bạn Kim Thanh đang thắc mắc như sau:
Hiện nay, để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bố mẹ bạn để lại thì cần có sự thỏa thuận của những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của bố mẹ bạn. Nếu bố mẹ bạn không để lại di chúc thì người thừa kế được xác định theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó các anh chị em của bạn là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn. Việc thỏa thuận các vấn đề liên quan đến di sản do bố mẹ để lại phải có sự đồng ý của tất cả các anh chị em.
Nếu các anh chị của bạn đang ở Mỹ không thể về Việt Nam thì có thể ủy quyền cho một người ở Việt Nam thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Theo Điều 78 Luật Công chứng 2014 về việc công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì anh chị của bạn có thể đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để yêu cầu công chứng.
Về hình thức ủy quyền: theo khoản 1 Điều 18 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng thì: Việc ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng ủy quyền. Đối với trường hợp ủy quyền để tiến hành khai nhận di sản thừa kế mà người ủy quyền đang ở nước ngoài thì hiện nay các bên có thể lựa chọn hình thức Giấy ủy quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn của công Luật Bảo Chính cho câu hỏi về “Chia di sản thừa kế khi người thừa kế đang ở nước ngoài” của bạn nếu còn thắc mắc bạn có thể tiếp tục gửi thông tin về cho chúng tôi hoặc gọi 19006821 để được luật sư tư vấn tiếp.
Trân trọng!