Anh trai đang định cư tại nước ngoài có được thừa kế mảnh đất cha mẹ để lại hay không ?
26/04/2017 18:17
Số là bố mẹ tôi lớn tuổi có chia đất lại cho con cái trong nhà. Nhưng anh tôi hiện định cư nước ngoài có được phép đứng tên thừa hưởng đất thừa kế không ạ? Nếu được thì cần những giấy tờ gì hợp lệ? Người nhà ở Việt Nam có thể làm hộ giấy tờ sở hữu hay bắt buộc anh tôi phải về nước? Và chi dâu tôi có cần phải về ký giấy gì không ạ hay chỉ một mình anh tôi là được? Diện tích được quy định được sở hữu là bao nhiêu ạ? Vì đi lại khó khăn nên kính mong sự tư vấn giúp đỡ của luật sư.
Xin rất cảm ơn.
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai năm 2013 quy định: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở". Như vậy, điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam là người đó phải thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: "Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này."
Khoản 1 Điều 9 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: "Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn."
Như vậy, để anh bạn được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất thì anh bạn phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam (anh bạn không thuộc các trường hợp: Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; vì lý do phòng, chống dịch bệnh; vì lý do thiên tai; vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
Người nhà ở Việt Nam có thể làm hộ giấy tờ sở hữu mà không bắt buộc anh bạn phải về nước để thực hiện các thủ tục nhận thừa kế quyền sử dụng đất, tuy nhiên phải có sự ủy quyền của anh bạn. Bạn phải nộp hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký quyền sử dụng đất
- Di chúc
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ chứng mình quyền sử dụng đất của bố mẹ
- Giấy ủy quyền (nếu người nhà đăng ký hộ)
Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định: "Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu." Như vậy, chị bạn không cần phải về Việt Nam mà chỉ cần ghi tên vợ chồng anh chị bạn vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhà nước không giới hạn diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên sẽ áp dụng hạn mức chung theo quy định áp dụng chung cho các cá nhân khác.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!