Ngân hàng tính lãi phạt quá hạn là sai luật!

(PL)- Theo quy định hiện hành, đối với khoản nợ quá hạn, tổ chức tín dụng chỉ được tính lãi quá hạn chứ không được tính thêm lãi phạt quá hạn.

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm trong vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với Công ty TNHH xây dựng Đức Trang (Công ty Đức Trang, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Hội đồng Thẩm phán giao hồ sơ về cho TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để xử phúc thẩm lại do trước đó hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu tính lãi phạt quá hạn (lãi chồng lãi) không đúng quy định của pháp luật.

Chấp nhận lãi phạt quá hạn

Theo hồ sơ, tháng 8-2010, Công ty Đức Trang ký hợp đồng vay SHB Chi nhánh Khánh Hòa 4,8 tỉ đồng, thời hạn 12 tháng, lãi suất 1,5% tháng… Tài sản đảm bảo cho khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của vợ chồng ông PTT.

Vì Công ty Đức Trang không trả nợ nên SHB đã khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa buộc Công ty Đức Trang phải thanh toán hết nợ gốc và các khoản lãi. Trong trường hợp Công ty Đức Trang không trả nợ thì SHB có quyền yêu cầu Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Khánh Hòa kê biên, bán tài sản thế chấp để đảm bảo việc thu hồi nợ.

Tháng 5-2012, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của SHB, buộc Công ty Đức Trang phải thanh toán cho SHB 4 tỉ đồng nợ gốc, gần 118 triệu đồng lãi trong hạn, gần 580 triệu đồng lãi quá hạn và gần 290 triệu đồng lãi phạt quá hạn, tổng cộng là gần 5 tỉ đồng...

Sau đó, vợ chồng ông T. (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) kháng cáo đề nghị xem xét lại phần lãi phạt quá hạn mà Công ty Đức Trang phải trả cho SHB. Tháng 9-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sai quy định!

Vợ chồng ông T. khiếu nại giám đốc thẩm. Gần ba năm sau, chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm lại.

Xử giám đốc thẩm mới đây, Hội đồng Thẩm phán nhận định: Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 127/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Quyết định số 1627/2001 về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng) quy định: “Đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn và tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ; việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật”.

Tháng 7-2008, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 678 thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện Quyết định số 1627/2001 về cơ chế lãi suất phạt quá hạn. Lãi suất phạt quá hạn ở đây được hiểu chính là lãi quá hạn.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tại Phần 1.3 Mục 1 Văn bản số 1335/2010 về phạt chậm trả đối với trường hợp nợ quá hạn. Theo đó, mức lãi suất đối với khoản nợ quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định và thỏa thuận với khách hàng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay.

Ngoài các quy định trên, không có quy định nào kể cả trong BLDS cho phép tổ chức tín dụng phạt nhiều lần về cùng một vi phạm trong hợp đồng tín dụng. Vì nếu cho phép phạt nhiều lần thì quy định phạt lãi do quá hạn không được vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay nói trên đã bị vô hiệu hóa.

Từ đó, Hội đồng Thẩm phán kết luận việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của SHB đối với phần lãi phạt quá hạn, từ đó buộc Công ty Đức Trang phải thanh toán tiền lãi phạt quá hạn gần 290 triệu đồng là không đúng pháp luật.

Tác giả bài viết: ĐẠI HƯNG

Nguồn tin: plo.vn