Ám ảnh những nữ tử tù gieo “cái chết trắng”
- Thứ năm - 30/03/2017 11:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguyễn Thị Giang, 45 tuổi, sinh ra trong gia đình nghèo ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Bố mất sớm, mẹ Giang thay chồng nuôi 6 con khôn lớn. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, là chị cả nên học chưa hết lớp 5, Giang nghỉ học để phụ giúp mẹ kiếm sống.
Khi đến tuổi trưởng thành, nghe theo đám bạn, Giang quyết định vượt biên sang Trung Quốc tìm cơ hội đổi đời. Song thực chất, các đối tượng lừa bán Giang vào nhà thổ, rồi làm vợ một người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Sau gần 20 năm sống ở nơi đất khách, Giang nhớ gia đình, nhớ quê hương, tìm cách bỏ trốn về Việt Nam.
Đầu năm 2013, Giang bỏ chồng cùng 2 người con trở về địa phương trong niềm vui tột cùng của gia đình. Từ một cô gái hiền lành, chân chất, Giang trở nên dạn dĩ, lỳ lợm hơn. Quá uất ức với những kẻ đẩy Giang vào đường cùng, thị nung nấu ý định trả thù đời, đầy đọa người khác.
Số phận đưa đẩy, Nguyễn Thị Giang gặp Đào Viết Mừng, 47 tuổi, trú tại Cầu Đông, Quang Trung, An Lão (Hải Phòng) rồi bị cuốn vào những chuyến buôn “hàng trắng” với ông trùm ma túy đất Cảng.
Mừng thấy Giang nói thành thạo tiếng Trung nên đã sử dụng chính người tình làm phiên dịch cho các cuộc làm ăn, giao dịch với đối tác người Trung Quốc. Việc giao dịch “hàng trắng” giữa Mừng với đối tượng tên Luân ở Trung Quốc do Giang đứng giữa phiên dịch, thu xếp. Sau đó, toàn bộ số “hàng trắng” được xé lẻ, cung cấp cho đối tượng nghiện, các quán bar, vũ trường…
Thế nhưng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, ngày 27-3-2014, Đào Viết Mừng lên khu vực Tây Bắc lấy “hàng trắng” về tiêu thụ. Trên đường quay về đến địa phận xóm Trọng, xã Phong Phú (Tân Lạc) thì bị lực lượng Công an phát hiện, thu giữ 4 bánh hêrôin phía trong xe. Ngay sau khi người “chồng hờ” bị bắt, Giang tiếp tục thay người tình cầm đầu đường dây mua bán ma túy. Thế rồi, không lâu sau đó “nữ quái” này sa lưới pháp luật.
Tử tù Nguyễn Thị Lợi ân hận vì tội lỗi đã gây ra.
Với nữ tử tù Nguyễn Thị Lợi, 61 tuổi ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đáng ra ở tuổi ấy, thị được phải hưởng cuộc sống an nhàn bên gia đình. Chỉ vì hám lời, thị sa chân ngập sâu vào con đường buôn bán "cái chết trắng", để rồi nhận kết cục đáng buồn.
Sau khi chồng bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy, Lợi không thay chồng nuôi dạy ba con đang tuổi lớn, thị bước tiếp vết xe đổ của chồng. Trong đó, có người đàn ông người Mông tên Páo ở xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, vốn là chỗ làm ăn với chồng Lợi trước khi bị bắt.
Ngày 1-12-2011, Lợi cùng người cháu ruột là Nguyễn Văn Đức (22 tuổi) xã Minh Quang, Ba Vì (Hà Nội) mang 2,9 tỷ đồng lên huyện Mộc Châu mua 20 bánh hêrôin. Trên đường về đến địa phận xóm Bảm, xã Tây Phong, Cao Phong (Hòa Bình), 2 cô cháu đã bị tổ tuần tra giao thông Công an huyện Cao Phong phát hiện.
Thấy sự việc bại lộ, Lợi thúc giục người cháu tăng tốc bỏ chạy qua trạm kiểm soát giao thông, đồng thời chống đối quyết liệt khi bị truy bắt. Thế nhưng, cả hai đã bị bắt cùng tang vật là 20 bánh hêrôin.
Mặc dù biết trước kết cục của mình, song hôm bị tuyên án tử, lúc áp giải về trại giam, Lợi vẫn chưa hoàn hồn. Thị chẳng thiết ăn uống, đêm nào cũng trằn trọc nhìn ra khoảng không mịt mùng qua khe cửa buồng giam suy nghĩ miên man.
Ngày ngủ, đêm thức, thoắt vui rồi lại buồn, nếp ấy đến giờ vẫn chưa thay đổi. Cơ thể của thị suy sụp, bạc nhược một cách ghê gớm. Ðã có lúc, thị định phó thác cho số phận nhưng rồi khát khao được sống lại thôi thúc. Nghe bạn tù khuyên "sống được ngày nào quý ngày ấy, biết đâu được giảm xuống chung thân, sẽ có ngày về", thị cũng an lòng phần nào.
Không dưới một lần, Lợi đề xuất được viết thư, gửi các cấp có thẩm quyền “xin chết”, bởi càng sống ngày nào, thị phải chịu sự giày vò đeo đẳng, bám riết tâm can ngày đó.
Theo Thu Hà
Công an nhân dân